Vay thì dễ, nhưng khách hàng sẽ gặp rắc rối khi phát sinh trả trước hạn hoặc quá hạn. Thông thường, các ngân hàng có phí phạt dao động 1-3% trên dư nợ còn lại khi khách hàng trả nợ trước hạn và áp dụng lãi suất từ 1,1 đến 1,5 lần lãi suất trong hạn đối với khoản nợ quá hạn. Vì vậy, trước khi ký hợp đồng, người vay cần phải trao đổi kỹ với nhân viên tín dụng về các mức phí phạt cụ để nếu vướng vào các trường hợp này sẽ không phải chịu thiệt thòi.
Như trường hợp chị Tuyền ở TP HCM, vì tâm lý nôn nóng của người đi vay và ký nhanh để hoàn tất hồ sơ nhận tiền nên đã không trao đổi kỹ về điều khoản trả nợ trước hạn sẽ bị phạt như thế nào để cập nhật cụ thể vào hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng. Do đó, khi phát sinh nhu cầu phải bán căn nhà là tài sản thế chấp, chị buộc phải đến ngân hàng xin tất toán hợp đồng tín dụng trước hạn sau 5 tháng vay (hợp đồng tín dụng có thời hạn vay gần 9 năm). Kết quả là chị bị nhà băng phạt đến 248 triệu đồng cho số dư nợ gốc 2,777 tỷ đồng.
Hiểu đúng về lãi suất
Để thu hút người vay, nhiều ngân hàng hiện nay liên tục cạnh tranh bằng các chương trình vay ưu đãi với lãi suất hấp dẫn nhưng thường chỉ áp cho vài tháng đầu, sau đó thả nổi. Do vậy, khách hàng khi vay cần tìm hiểu kỹ xem thời gian ưu đãi là bao lâu, lãi suất sau thời gian ưu đãi sẽ được tính toán cụ thể thế nào, các kỳ điều chỉnh lãi suất...
Ngoài ra, người đi vay cần chú ý đến cách tính lãi của ngân hàng. Hiện nay, nhà băng có hai hình thức tính lãi là tính theo dư nợ giảm dần và tính theo dư nợ ban đầu.
Theo đó, có một số ngân hàng công bố mức lãi suất vay tiêu dùng chỉ 7-8% một năm để đánh vào tâm lý “lãi suất thấp”, nhưng lại tính theo dư nợ gốc ban đầu. Kết quả, khoản tiền lãi khách hàng phải trả có khi còn cao hơn mức lãi 10-11% tính theo dư nợ giảm dần.
Chọn thời hạn vay phù hợp
Tuỳ vào thu nhập và số tiền vay mà bạn nên cân nhắc kỹ thời hạn vay vốn sao cho phù hợp nhất. Nếu thu nhập thấp thì bạn nên kéo dài thời hạn vay, khi đó sẽ giảm số tiền gốc hàng tháng mà bạn phải trả cho ngân hàng.
Chẳng hạn, khi vay 100 triệu đồng, nếu bạn vay trong một năm thì mỗi tháng sẽ trả dư nợ gốc khoảng 8,4 triệu đồng kèm với lãi. Nhưng nếu thu nhập của bạn thấp, có thể kéo dài thời hạn vay lên thành hai năm. Khi đó, mỗi tháng bạn chỉ phải trả khoản dư nợ gốc tầm 4,2 triệu đồng kèm với lãi.
Cân nhắc khả năng trả nợ
Để tránh cảnh kiệt quệ tài chính, các chuyên gia khuyên người vay nên kiểm tra kỹ ngân sách, tổng thu nhập mỗi tháng trước khi vay. Việc trả nợ chỉ nên chiếm nhiều nhất khoảng 30-40% tổng thu nhập trong tháng của bạn. Nếu không, bạn rất có thể rơi vào cảnh đi vay nợ mới để trả nợ cũ.
Như trường hợp chị Thanh, nhân viên kế toán một công ty tại quận 10, TP HCM. Thu nhập của chị mỗi tháng tầm 6 triệu đồng, còn chồng thì khoảng 8 triệu. Vợ chồng chị với số tiền vốn khoảng 150 triệu đồng, vay thêm ngân hàng 450 triệu (thời hạn 5 năm) để mua một căn nhà cấp bốn (40m2) tại quận Bình Tân.
Với lãi suất khoảng 9% một năm, tính ra mỗi năm vợ chồng chị phải trả lãi 40,5 triệu đồng - tương đương 3.375.000 đồng mỗi tháng (trả theo từng tháng với dư nợ ban đầu). Dự tính trả nợ trong thời hạn 5 năm, nên mỗi tháng chị Thanh phải tích lũy riêng một phần khoảng 7,5 triệu để trả gốc cho đến khi tới hạn. Như vậy, tổng cộng cả lãi và gốc, mỗi tháng phải chi tầm 10,9 triệu đồng, còn hơn 3 triệu để chi tiêu.
Khổ nỗi, vì nhà quá xa nơi làm việc nên hàng tháng chỉ riêng tiền xăng của hai vợ chồng đã ngốn hơn một triệu đồng. Chính vì vậy, hàng tháng vợ chồng chị thường hay bị hụt tiền, buộc phải đi vay mượn thêm để thanh toán cho ngân hàng.
Hoài Thu
No comments:
Post a Comment