Monday, 10 June 2019

Ai dạy trẻ con

Bạn bè Facebook của tôi đông và nhiều thành phần: nhà báo, thương gia, bác sĩ, quan chức, dân xã hội… Nhưng người bạn qua mạng đặc biệt nhất của tôi, là một cậu bé.

Đó là một người bạn tôi chưa từng gặp. Cậu chat với tôi, nói về cuộc sống qua lăng kính của một thằng bé mười mấy tuổi nhưng chỉ như đang học cấp 1. Cậu than hay bị bố mẹ mắng vì "con học không vào". "Con hay quên, chú ạ". Do cha mẹ không quan tâm nên nhiều thứ tưởng chừng nhỏ nhặt trong cuộc sống, cậu cũng không hiểu. Cậu bé hay nhờ tôi giải thích kiểu: "Chú ơi, con gái cá tính là sao vậy chú?", "Thế còn ‘bựa’ là gì?". "Nước sông không phạm nước giếng... là sao chú?". Ngay cả khi tôi giải thích rồi, cậu vẫn cần phải giải thích lại những lời giải thích đó.

Một hôm người bạn nhỏ dè dặt nhờ tôi một việc. Nguyên văn: Con phải đi trị bịnh một thời gian. Con đưa chú mật khẩu Facebook. Chú vào tài khoản của con chúc mừng sinh nhật các bạn (trên Facebook) của con nhé. Bố mẹ không tổ chức sinh nhật cho con nên con rất muốn bạn bè trên Facebook chúc mừng khi đến ngày sinh nhật con.

Tôi hoàn thành nhiệm vụ. Đến sinh nhật cũng là lúc cậu bé cũng quay về và tự quản tài khoản Facebook của mình. Tôi là người đầu tiên chúc mừng cậu bé trong ngày sinh nhật. Nhưng tôi vẫn áy náy vì chưa tặng quà sinh nhật cho cậu bé. Một món quà nhỏ. Một chiếc máy ảnh cũ hoặc quả địa cầu pha lê cũ. Để có thể "quên đi những việc khác" như lời người bạn nhỏ của tôi nói.

Đằng sau câu chuyện ấy, tôi thấy một hình bóng bé nhỏ đang cô đơn. Một chủ nhân tương lai của đất nước đang bế tắc.

Hình như chúng ta, bao gồm cả tôi, cũng ít quan tâm thực sự đến lớp trẻ, hay nói cụ thể hơn chính là những đứa con của mình. Sau những cuộc đua chọn trường điểm lớp chọn cô giáo giỏi là coi như xong trách nhiệm. Nhiệm vụ "giáo dục các cháu" được chuyển sang phía ngành giáo dục vốn cũng đang bộn bề những cải cách chương trình, đổi mới sách giáo khoa với đầy bất cập về con người. Còn chúng ta, các bậc làm cha làm mẹ thì chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát và đổ lỗi...

Chúng ta đang trải qua một giai đoạn đầy biến động về đời sống văn hoá-xã hội. Trong 2 thập kỷ qua, nền kinh tế tập trung bao cấp đã được thay bằng nền kinh tế thị trường; sách vở đã thay bằng điện thoại thông minh; những luồng văn hoá từ khắp nơi du nhập vào; những tư tưởng mới được truyền bá;... Khoảng cách thế hệ vì thế giãn nở nhanh hơn. Những bậc phụ huynh gần như không có kinh nghiệm về những gì con mình đang trải nghiệm. Học hành cũng khác, giải trí khác, mà quan hệ bạn bè đồng lứa cũng khác. Chưa kể đến những hình mẫu kiểu "Bảnh", "Thánh chửi" nhan nhản trên mạng xã hội...

Cái việc chăm chỉ đi chúc mừng sinh nhật các bạn trên mạng, để đến ngày được các bạn chúc lại, thật sự là một "chuyện trẻ con". Nhưng cậu bé phải đi tìm một người thật tin tưởng, dù là người lạ như tôi, để giao phó. Tôi tự hỏi rằng có bao nhiêu người lớn chúng ta thực tâm tìm hiểu để cảm nhận được điều đó.

Trong một bài báo tôi đọc được trên trang web của Bệnh viện Tâm thần TP HCM thì nghiên cứu của các học giả trên thế giới cho thấy, số trẻ em và thanh thiếu niên bị trầm cảm tiếp tục gia tăng, với ước lượng cứ 20 trẻ thì có một cháu bị bệnh này. Trầm cảm và lo âu trong số trẻ em và thanh thiếu niên thường là bệnh phối hợp; ước tính khoảng 11% – 69% trẻ lo âu bị trầm cảm và 15% – 75% trẻ trầm cảm bị rối loạn lo âu. Hơn 50% trẻ đang bị trầm cảm sẽ tái phát trầm cảm lúc trưởng thành, nên cần chẩn đoán và điều trị sớm.

Những số liệu khoa học cho thấy, bệnh trầm cảm tăng ở lứa tuổi vị thành niên. Tỷ lệ tự tử ở tuổi "ăn chưa no lo chưa tới" này cũng gia tăng theo chiều thẳng đứng. Các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần, tâm lý xã hội còn hạn chế và thường tập trung vào những rối loạn sức khoẻ tâm thần nặng. Đã thế, ngay cả những dịch vụ "nặng" này cũng độ bao phủ thấp.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, bác sĩ về chuyên khoa tâm thần nhi cũng rất ít ở Việt Nam. Chính vì vậy những nghiên cứu chuyên sâu về chẩn đoán điều trị cho tâm thần nhi hiện nay rất hạn chế.

Cộng với sự thờ ơ của một bộ phận không nhỏ các bậc làm cha làm mẹ, sự cô đơn của những đứa trẻ ngày một lớn hơn. Con cái chúng ta khi rời trường học đã không còn những kết nối thực trong cuộc đời. Lớp kỹ năng sống hay những khóa tu chỉ như việc điền vào chỗ trống của các bậc cha mẹ trong ngày hè. Còn thì nhìn chung, các bậc cha mẹ, đặc biệt là ở thành thị đang phó mặc con mình cho "ông" YouTube hay Cartoon Network...

Mải kiếm sống, thiếu hiểu biết, cha mẹ dường như không dần tuột khỏi vòng tay con cái một cách lặng lẽ. Và chúng ta sẽ giải quyết vấn đề đó bằng lực lượng hành pháp hay là y tế? Hay là cần một thái độ khác cho cuộc giãn nở thế hệ nhanh chóng mặt này?

Hỏi vậy thôi chứ chính tôi cũng đang vật vã tìm câu trả lời cho bản thân. Phải ứng xử sao với chính con cái của mình?

Trần Anh Tú

No comments:

Post a Comment