Cách đây 11 năm, mùa hè 2008, thế hệ sinh năm 1990 chúng tôi bước vào kỳ thi quan trọng và hồi hộp nhất cuộc đời, thi đại học.
Đó là năm cuối cùng của kỳ thi đại học theo chương trình sách giáo khoa cũ. Nên với những cô cậu sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân ở thôn quê như chúng tôi, kỳ thi này mang tính "sinh - tử" theo nhiều nghĩa. Nếu không đậu đại học năm đó, đồng nghĩa với cơ hội thi lại năm sau sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì phải ôn luyện theo chương trình mới. Không đậu, nghĩa là phụ sự chăm sóc và mong ngóng của bố mẹ, người thân và cánh cửa cuộc đời sẽ mông lung hơn bao giờ hết.
Vậy nên, càng đến gần ngày thi, áp lực thi cử càng đè nặng. Hai buổi sáng, chiều tôi ôn thi trong trường. Buổi tối học thêm đến 9h. Ăn cơm tối xong, tôi học tiếp đến 23h. Sáng hôm sau, tôi dậy từ 3h, ôn bài đến khi mặt trời mọc. Mỗi ngày, tôi chỉ ngủ 4 tiếng. Cứ như thế suốt hơn một tháng trời, tôi học không ngừng nghỉ. Quanh góc bàn học những khẩu hiệu tự động viên mình: Tuân ơi, phải đỗ đại học; Mình sẽ chiến thắng; Tuân ơi cố lên; Hẹn ngày vào đại học...
Rồi kỳ thi trọng đại cũng đến. Bố gom góp tiền bán thóc, bán lợn, đưa tôi lên Hà Đông thi. Để tiết kiệm tiền, hai bố con thuê chung phòng với khoảng chục người khác, nằm ngủ ngay trên sàn nhà.
Tôi vẫn nhớ rất rõ, khi làm xong bài thi đầu tiên là môn Văn, ra gần đến cổng thì thấy bố mồ hôi nhễ nhại, đứng dưới trời nắng như đổ lửa, một tay cầm chiếc mũ, tay cầm chai nước, đang cố với qua cánh cổng trường vẫy gọi. Bên cạnh là biết bao ông bố, bà mẹ khác. Những phụ huynh ấy đã kiên nhẫn trông ngóng sĩ tử chúng tôi làm bài suốt ba tiếng. Cảnh tượng ấy in sâu vào tâm trí tôi đến mãi sau này.
Sau những ngày tháng thi cử là chuỗi ngày dài cả gia đình thấp thỏm chờ đợi kết quả. Rồi niềm vui vỡ oà cũng đến, khi giấy báo điểm về đến nhà. Sau này, mẹ tôi nhắc mãi những ngày đó như được sống trong giấc mơ. Giấc mơ đó là của những ông bố, bà mẹ nông dân nghèo khó, cả đời chỉ mong con thi đậu đại học, để tương lai sáng hơn.
Hơn 10 năm trôi qua, kỳ thi đại học ba chung giờ không còn, chỉ còn thi THPT quốc gia được tổ chức ở các địa phương. Mấy mùa thi gần đây, những gia đình ở thôn quê không phải vất vả khăn gói lên các thành phố lớn nữa. Học sinh cũng chỉ phải ôn luyện cho một kỳ thi thay vì cho nhiều kỳ thi khác nhau như trước đây. Mục tiêu tiết kiệm cho xã hội, giảm áp lực cho phụ huynh và học sinh của kỳ thi này phần nào đạt hiệu quả.
Nhưng tôi có thể chắc chắn rằng, nếu được lựa chọn, những gia đình ở khắp các làng quê như cha mẹ tôi sẽ không bao giờ chấp nhận sự "tiết kiệm" để rồi phải lo lắng, hoài nghi về sự minh bạch, công bằng của kỳ thi. Họ sẽ vẫn không tiếc công sức, tiền bạc để đưa con em đến tận các trường đại học dự thi. Họ tin rằng, sự vất vả, cực nhọc ấy sẽ được bù đắp bằng sự công minh của kết quả thi.
Trong quan niệm của những thanh niên nông thôn như tôi, đại học là con đường duy nhất tạo cảm giác công bằng, để tìm thấy cơ hội thay đổi số phận. Điều mà cả xã hội trông mong vào kỳ thi này chính là sự công minh. Đó cũng cần được coi là mục tiêu tối thượng của một kỳ thi, hơn bất kỳ mục tiêu nào khác. "Tiết kiệm" không thực sự là một đặc tính cần ưu tiên của kỳ thi này, khi xét đến ý nghĩa của nó.
Những ngày qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang phải giải một đề thi khác còn dang dở từ năm trước, là làm sao ngăn chặn gian lận. Các tỉnh từng xảy ra gian lận thi cử là Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình đều chọn lựa cán bộ tham gia làm thi rất thận trọng, có công an thẩm định nhiều vòng nhân thân. Nhiều hình thức xử lý nghiêm khắc với cán bộ coi thi, chấm thi vi phạm quy chế thi được đưa ra.
Nhưng câu hỏi là: liệu những điều này đã đủ để làm xã hội – hay cụ thể là hàng triệu người coi kỳ thi đại học là cơ hội tìm sự bình đẳng đáng kể nhất – cảm thấy yên tâm?
Trên thế giới hiện có nhiều quốc gia đang duy trì kỳ thi đại học chung cho cả nước. Hàn Quốc nổi tiếng với kỳ thi đại học Suneung (CSAT), Trung Quốc nổi tiếng với "cao khảo". CSAT còn được gọi là "đấu trường sinh tử" của học sinh xứ sở Kim Chi. Vào ngày thi, các cơ quan, doanh nghiệp phải lùi giờ làm để tránh tắc đường cho thí sinh. Nhiều phương tiện giao thông đường bộ, đường không quanh trường bị cấm để không gây tiếng ồn cho thí sinh.
An ninh của các kỳ "cao khảo" đã thành truyền thuyết: máy quét điện tử ở cửa phòng thi như an ninh sân bay, các đội đặc nhiệm rà soát phòng thi với thiết bị dò tín hiệu chuyên dụng, CCTV tường thuật trực tiếp khung cảnh phòng thi (thậm chí phụ huynh ở ngoài cổng cũng có thể tham gia giám sát bằng di động). Thí sinh được nhận diện bằng công nghệ số, tránh trường hợp thi hộ.
Tất nhiên, nhiều người có thể nói rằng đó là câu chuyện của một nước giàu hơn Việt Nam. Nhưng mỗi khi nhớ lại những gì mình đã trải qua, và hàng nghìn khuôn mặt tôi đã gặp và quan sát ở các kỳ thi trong những năm làm phóng viên, tôi tin rằng ít người cảm thấy cần tiết kiệm trước sự công bằng. Trong lúc rất nhiều dự án đầu tư công bị hoài nghi và phản đối, thì sẽ không ai phản đối nếu chúng ta bắt đầu đổ tiền cho an ninh của kỳ thi quốc gia. Cho dù quá trình đầu tư có thể kéo dài nhiều năm, nếu không bắt đầu từ lúc này, chúng ta sẽ không bao giờ có được sự yên tâm.
Những giải pháp về mặt con người và quy trình cũng rất quan trọng. Nhưng sai số liên quan đến con người ở ta đang quá lớn. Khái niệm "xử lý nghiêm" hay "xử lý nghiêm khắc" – một trong những giải pháp được ngành giáo dục và công an nêu lên liên tục trong kỳ thi này – thật ra là một thứ mà xã hội Việt Nam đang dần... miễn nhiễm.
Đầu tư công nghệ an ninh kiểm soát gần một triệu bộ bài thi ở 40.000 phòng thi có thể lên tới cả chục nghìn tỷ đồng. Nhưng tôi tin đó sẽ là loại dự án "nghìn tỷ" ít bị phản biện nhất lúc này. Sự công bằng là vô giá.
Viết Tuân
No comments:
Post a Comment