Wednesday 25 September 2013

Rác thải điện tử như 'quả bom hẹn giờ' quy mô toàn cầu

Rác thải điện tử có thể gây rò rỉ hóa chất và kim loại nặng ra không khí, đất, nước và thực phẩm, được ví như quả bom hẹn giờ đối với sự sống của trái đất.

"Tôi có thể gọi đó là một quả bom hẹn giờ quy mô toàn cầu, giáo sư Ming Wong, giám đốc Viện nghiên cứu Croucher về khoa học môi trường tại đại học Baptist Hong Kong phát biểu trong hội nghị CleanUp 2013, phát biểu. "Cần phải hành động ngay để ngăn chặn các loại rác thải điện tử độc hại đang không ngừng mở rộng trên trái đất".
Có khoảng 50 triệu tấn chất thải điện tử con người tạo ra mỗi năm và chỉ một phần nhỏ trong số đó được xử lý an toàn. Đây là dòng chất thải gia tăng nhanh nhất thế giới, tăng từ 3-5% mỗi năm vòng đời ngắn của các thiết bị điện tử và máy tính (trung bình 2-6 năm).
"Hóa chất độc hại phát sinh trong quá trình đốt các chất thải điện tử bao gồm PCDD, PBDEs, PAHs, PCBs, kim loại nặng, chúng dẫn đến ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước, thực phẩm và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống con người. Một số hóa chất tích tụ trong cá, sau đó được giao dịch tại địa phương và trên toàn thế giới, khoa học đã chứng minh nguy cơ hóa chất độc hại truyền cho các thế hệ tiếp theo, khi em bé còn trong bụng mẹ hoặc tiếp nhận qua sữa mẹ", ABC dẫn lời ông Wong cho hay.
"Ở một số quốc gia, việc xử lý chất thải điện tử trong bãi chôn lấp tạo ra nhiều nước thải rò rỉ với nồng độ cao của hóa chất chống cháy và kim loại nặng. Chúng phát tán qua đất, nước ngầm, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến con người. 
"Hiện nay, nhiều nước phát triển thường gửi chất thải điện tử sang các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi để tái chế, tận dụng lợi thế chi phí thuê lao động rẻ hơn và quy định về môi trường thấp hơn ở những quốc gia này", ông nói thêm.
Giáo sư Ming Wong cho biết các nhà sản xuất cần thiết kế sản phẩm để chúng có thể tháo dỡ thành nhiều bộ phận đem đi tái sử dụng, bảo vệ nguồn tài nguyên có giá trị và giảm chất thải điện tử. Các quốc gia phải chịu trách nhiệm về chất thải điện tử của riêng mình, hạn chế và ngăn chặn việc xuất khẩu chất thải điện tử sang các nước khác.
Nhưng vấn đề lớn hơn vẫn là tiêu dùng. "Chúng ta không thể tiếp tục sử dụng các thiết bị điện tử như hiện nay, đó là không bền vững, tiến sĩ Mariann Lloyd-Smith từ mạng lưới Nghiên cứu chất độc Quốc gia Australia nói.
Bà cũng cho rằng, những động thái để tiếp cận phương pháp chiến lược quản lý hóa chất quốc tế (SAICM) sẽ khiến các công ty nghiên cứu làm tăng tuổi thọ cho máy tính cũng như cải tiến thiết kế để chúng có thể được tái chế bền vững.

Sunday 15 September 2013

10 lời khuyên hữu ích

Trong cuộc sống, chúng ta đối mặt với không ít những khó khăn, thử thách. Có những lúc ta thất vọng, hụt hẫng và tưởng chừng như không thể bước tiếp. Những lúc đó, một lời động viên, nhắc nhở để tiếp tục đứng lên đi tiếp trở thành liều thuốc quý giá. Hi vọng bài viết này sẽ là một lời khuyên hữu ích với những ai đang gặp khó khăn trong cuộc sống.

1. Hạnh phúc không kéo dài mãi mãi, và bản chất của nó là vậy
Có những lúc bạn cần phải chiến đấu qua những ngày tồi tệ để tiến tới những ngày tươi sáng. Hạnh phúc không phải là một trạng thái kéo dài mãi mãi và bạn sẽ không sống trong giai đoạn này cho đến hết cuộc đời. Hạnh phúc là một chuỗi những khoảnh khắc. Vậy nên hãy trân trọng từng khoảnh khắc hạnh phúc dù là nhỏ bé trong cuộc sống để thấy yêu quý cuộc đời hơn.

2. Thất bại dạy cho ta những bài học kinh nghiệm
Chưa có ai thành công mà chưa từng nếm mùi thất bại.Trường học không bao giờ dạy chúng ta những bài học sau khi thất bại nhưng trường đời sẽ dạy chúng ta điều đó.
Chính vì vậy, hãy học cách chấp nhận thất bại như một phần của quá trình tiến tới thành công và rút ra những bài học từ những thất bại đó.
Không phải lúc nào bạn cũng thành công nhưng đừng vì thế mà sợ hãi không dám theo đuổi ước mơ của mình. Đa phần mọi người đều nói “ Tôi muốn thành đạt” nhưng họ không muốn điều đó một cách điên cuồng, không thật sự phấn đấu, nỗ lực vì nó và khi thất bại thì họ từ bỏ.

3. Có thể bạn không thấy kết quả bây giờ, nhưng bạn đang tiến bộ lên từng ngày
Con đường đi đến thành công là một hành trình dài và đầy thử thách, có thể bây giờ bạn vẫn chưa đến được nơi mình muốn đến, nhưng nếu suy nghĩ lại, thì bạn cũng đã không còn dậm chân tại vạch xuất phát nữa rồi.Có thể bạn không luôn đưa ra những lựa chọn đúng đắn nhất, nhưng dù sao thì bạn cũng đã vượt qua được những thời khắc khó khăn nhất, và đã bước những bước nhỏ đến nơi mình muốn đến.

4. Những gì bạn cảm thấy không phải thước đo chính xác của thực tại
Bạn lo lắng, không có nghĩa là bạn đang gặp nguy hiểm bởi những giới hạn như nỗi sợ hãi thường chỉ là ảo ảnh. Chỉ vì bạn cảm thấy mình đang cô đơn, không có nghĩa là chẳng ai yêu thương bạn. Chỉ vì bạn nghĩ rằng bạn có thể thất bại, không có nghĩa là điều đó sẽ xảy ra. Tất cả đều chỉ là những giả định cho đến khi nó thành hiện thực.
Hãy cẩn thận với những lời nói bạn dành cho bản thân. Đôi khi chúng ta tự nói với mình những điều tiêu cực mà chúng ta lại không hề có ý thức về hành động đó. Việc này sẽ khiến chúng ta có một cái nhìn tiêu cực về mọi việc xảy ra xung quanh chúng ta. Hãy tập cho mình thói quen suy nghĩ và nói những điều tích cực với chính bản thân mình.

5. Bạn không thể thay đổi điều mà bạn từ chối đối mặt
Từ chối đối mặt với một điều gì đó không có nghĩa bạn sẽ thay đổi được nó. Bạn không thể rút ra bài học từ thất bại hay sai lầm của mình nếu bạn từ chối đối mặt với nó. Chấp nhận đối mặt và thay đổi đòi hỏi nơi bạn lòng can đảm rất lớn, và lớn hơn nữa đó là sự dũng cảm dám nhận lấy trách nhiệm cho việc thay đổi nó.

Điều quan trọng nhất đó là bạn cần phải dám bước những bước đầu tiên. Chính hành động đó sẽ tạo đà để bạn tiếp tục hành động tiến về phía trước. Hãy nhớ rằng bạn không thể thay đổi hoàn cảnh, nhưng bạn hoàn toàn có thể thay đổi cách mình phản ứng với hoàn cảnh đó.

6. Bạn không phải là quá khứ của mình
Đừng để tâm về quá khứ của bạn như thế nào, tương lai luôn là một tờ giấy trắng đang chờ bạn viết lên nó. Bạn không phải là những thói quen cũng như chẳng phải là những thất bại trong quá khứ của mình. Cách người khác đối xử với bạn trong quá khứ không đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị đối xử như vậy trong hiện tại.

Bạn chính là những gì bạn đang thể hiện ngay tại thời điểm này. Quá khứ không tương đương với tương lai bởi vì ở giữa nó có hiện tại. Bạn không thể thay đổi được quá khứ, nhưng bạn luôn có thể thay đổi hiện tại của mình để tiến tới tương lai tốt đẹp hơn.

7. Đôi khi không đạt được một điều gì đó lại là một điều may mắn
Sẽ có một ngày bạn ngồi lại và suy nghĩ về những chuyện đã xảy ra trong cuộc đời mình. “Liệu đó có thật sự là cái mình muốn hay không? Liệu nó có xứng đáng để mình nỗ lực theo đuổi không? Lý do để mình theo đuổi nó là gì?…” Chính những khoảnh khắc này sẽ mở ra cho bạn những khả năng, những lựa chọn mới mà bình thường có lẽ bạn đã không để ý tới.

Hãy nhớ rằng, đôi khi trong cuộc sống này, một số thứ mất đi là để những điều tốt đẹp hơn có thể xuất hiện. Hãy tin tưởng vào điều đó, và tin rằng mất một điều gì đó không phải là quá tệ, mà đôi khi chính điều này lại mang đến cho ta cơ hội mới. Đừng cứ mãi nhìn vào cánh cửa đã khép lại mà không chú ý đến nhiều cánh cửa khác đang mở ra.

8. Bạn là một sản phẩm “đang trong quá trình hoàn thiện”
Đừng tự trách móc bản thân mình khi thất bại trước một vấn đề nào đó vì bạn đang là sản phẩm “trong quá trình hoàn thiện”. Bạn là những gì tốt nhất của ngày hôm nay. Và việc là sản phẩm “trong quá trình hoàn thiện” nghĩa là bạn mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn ở phía trước.

Hãy tự hào vì điều này. Bởi vì chỉ có như vậy bạn mới thật sự khao khát được sống, được học hỏi, được tốt hơn mỗi ngày. Như Steve Jobs đã từng nói: “Hãy luôn khát khao. Hãy cứ dại khờ.” Chúc cho tất cả chúng ta luôn là những sản phẩm “đang trong quá trình hoàn thiện”.

9. Không ai có thể làm thay điều đó cho bạn
Hãy tiếp tục làm những điều mà trái tim bạn tin rằng nó đúng với bản thân. Hãy để giấc mơ của bạn lớn mạnh hơn nỗi sợ hãi và hãy để hành động của bạn nói thay những lời sáo rỗng. Đừng để bản thân sống bằng sự may rủi, hãy sống bằng những lựa chọn của chính bạn. Thay vì luôn đổ lỗi bản thân thì tại sao bạn không thay đổi?Đừng để những quyết định của bạn nằm trên miệng lưỡicủa người khác.

Bạn nói bạn không học giỏi toán nhưng thực sự bạn không chịu học.Bạn nói bạn không biết làm thơ thật ra thì bạn chưa hề làm thơ.Năng khiếu có thể là tự nhiên nhưng các kỹ năng chỉ có thể được phát triển bởi từng giờ, từng ngày tập luyện.

Đây là cuộc đời của bạn, và chỉ duy nhất của bạn. Người khác có thể cùng đi với bạn, nhưng không ai có thể đi thay nó cho bạn.

10. Cuộc sống không dễ dàng, nhưng lại rất đáng sống
Mỗi ngày là một ngày mới, khoảnh khắc sẽ không bao giờ lặp lại. Để đạt được một thứ gì đó lớn lao và xứng đáng đòi hỏi nỗ lực, thời gian, kiên trì và cả những thất bại. Và mỗi ngày hãy bắt đầu bằng cách phấn đấu để đạt được mục tiêu trên con đường đi tới thành công. Nỗ lực mạnh mẽ hơn mình của ngày hôm qua. Bạn chắc hẳn đã từng nghe câu: "Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc. Hãy sống sao cho khi ta chết đi rồi, mọi người khóc còn ta thì cười!" Vậy, những lúc khó khăn hay thất bại trong cuộc sống bạn hãy suy nghĩ tới những lời khuyên trên để thấy rằng cuộc sống này đáng sống biết nhường nào.

Saturday 17 August 2013

Đổi mới vì người học

Đã có rất nhiều cuộc trao đổi, họp bàn nhằm mong muốn chương trình - sách giáo khoa sau năm 2015 phải thật sự đổi mới, có ý nghĩa thiết thực đối với người học. Thế nhưng những ý kiến đóng góp này sẽ không có giá trị gì nếu quan điểm và cách thức tổ chức, thực hiện sách giáo khoa không thay đổi.

Thời gian qua, chúng ta thấy có vô số trường hợp sai sót trong sách giáo khoa (SGK) dẫn đến việc lần tái bản nào cũng phải đính chính. Dư luận cũng không ít lần đưa ra những trường hợp “không hiểu nổi” về những kiến thức đó vừa hàn lâm, xa lạ vừa không có giá trị gì đối với lứa tuổi học sinh khiến cả người dạy và học đều khổ sở. Đây chính là hậu quả của quá trình thực hiện SGK như thời gian qua. 
Một chuyên gia biên soạn SGK cho Thanh Niên biết là phần lớn những người viết SGK hiện nay đều làm nghề “tay trái”. Họ là những nhà nghiên cứu sâu về một chuyên môn nào đó chứ không giảng dạy bậc phổ thông. Thậm chí, có người chưa từng giảng dạy ngành sư phạm. Vì thế không ngạc nhiên khi nội dung SGK quá chuyên môn, cao siêu, xa rời thực tế. Đó là lý do mà có lần PGS Văn Như Cương khẳng định  30% kiến thức toán (phổ thông) là vô bổ nếu học sinh không theo chuyên ngành toán! Đó là chưa kể quy trình viết SGK như vừa qua đang theo một quy trình ngược, chưa thông qua chương trình chính thức thì đã biên soạn xong SGK. Cũng theo các chuyên gia, sách sau khi viết xong có trải qua quá trình thực nghiệm nhưng lại không có hội đồng đánh giá nên hay có sai sót. 
Trong khi đó, một chuyên gia kể rằng ở Brisbane (thủ phủ bang Queensland, Úc), khi làm SGK, Bộ Giáo dục bang gửi thông báo giới thiệu đến những người có thể tham gia xây dựng chương trình các môn học. Đó thường là những người có uy tín trong lĩnh vực giáo dục và hiệu trưởng các trường phổ thông. Các chuyên gia sau khi đã được lựa chọn bắt tay vào biên soạn chương trình học. Chương trình này sẽ được lấy ý kiến từ người học đến phụ huynh, giáo viên và cộng đồng. Sau khi nhận được các ý kiến phản hồi, các chuyên gia xây dựng  một chương trình để bộ phê duyệt.
Với nhiều nước, SGK chỉ là một trong những tài liệu tham khảo để giảng dạy nên không nhất thiết mọi thứ phải để trong SGK. Vì vậy, chương trình -SGK của họ hết sức cơ bản và nhẹ nhàng. Trong  quá trình giảng dạy, giáo viên được quyền quyết định chuyển tải bao nhiêu phần nội dung trong SGK miễn đúng quy định. Từ chương trình đã có, giáo viên bộ môn phải cùng nhau xây dựng các bài giảng và bài giảng này  phải được những người có trách nhiệm về giáo dục của các hạt (một cấp dưới bang) phê duyệt. Trên cơ sở chương trình được phê duyệt, Bộ Giáo dục ở những nước này thường khuyến khích các tác giả, nhà xuất bản biên soạn nhiều SGK để nhà trường và học sinh có thể lựa chọn một SGK tốt nhất.
Vấn đề với chúng ta hiện nay là nhiều khoa của các trường sư phạm vẫn chưa đưa môn xây dựng chương trình học vào đào tạo giáo viên. Đây thật sự là một khó khăn nếu muốn đổi mới việc xây dựng chương trình - SGK. Năm 2015 ở ngay trước mắt mà mọi thứ nền tảng chuẩn bị cho sự đổi mới này còn quá ngổn ngang. Mà nếu bỏ qua mốc thời gian này, bao giờ sẽ thay đổi? Vậy là, vẫn còn rất nhiều âu lo về một chương trình - SGK sắp thay đổi.

Người Việt lãng phí của công

Trong thời gian vừa qua, hàng loạt các vụ lãng phí công được phanh phui trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến công chúng vô cũng phẫn nộ. Thế nhưng, trong khi chỉ trích sự lãng phí đó thì chính một bộ phận không nhỏ người dân cũng đang lãng phí của chung mà không biết.
Năm 2012 là một năm đầy khó khăn và thử thách của nền kinh tế thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Tiết kiệm là một trong những biện pháp mà toàn thể người dân Việt đang thực hiện để chống lại cơn khủng hoảng.

Người Việt trẻ “tiên phong”

Điện thắp sáng bật suốt ngày, đêm, nước xả tràn trề - đó là hình ảnh không hiếm gặp ở các khu trọ của sinh viên hiện nay. Việc tiết kiệm những thứ như điện và nước là điều khó khăn với các một số người Việt trẻ. Họ nghĩ rằng tiền đã đóng thì phải được dùng cho “xứng đáng” với số tiền đó.
Tôi thấy tại một xóm trọ nhỏ có 7 phòng (toàn là sinh viên) ở Cổ Nhuế - Từ Liêm - Hà Nội, chỉ riêng việc thắp sáng sân phơi chung và nhà vệ sinh (2 bóng tuýp) đã lên tới gần 30 số điện (kWh). Những sinh viên sống tại đây bật đèn nhà vệ sinh 24/24, đi vệ sinh xong không tắt.
Về tiền nước, ai cũng nghĩ chủ thu quá cao nên đối phó bằng cách xả nước vô tội vạ. Giặt quần áo, rửa rau, rửa bát… họ để nước xả tràn ra mà không thèm tắt.
Một sinh viên trường ĐH Mỏ - Địa chất trọ tại đây cho biết: “Một tháng họ thu tận 60.000 đồng /tháng điện thắp sáng và tận 50.000 đồng/tháng tiền nước. Quá cao! Nhưng tìm phòng trọ rất khó nên cắn răng chịu đựng. Vì thế, điện, nước cứ phải dùng thoải mái”.
Tại các trường trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, việc sử dụng điện làm sao cho tiết kiệm cũng không được những “chủ nhân tương lai của đất nước” chú ý. Tại các giảng đường, phòng học, đèn và quạt được bật ngay cả khi đã học xong, không ai tắt điện, tắt quạt khi ra về.
Rất nhiều giáo viên và giảng viên cũng góp phần làm trầm trọng sự lãng phí xã hội, máy chiếu bật cả khi không sửa dụng, đèn phòng nghỉ luôn sáng khi đã vào lớp dạy.
Bệnh lãng phí công cũng là vấn đề nhức nhối tại các cơ quan nhà nước và bệnh viện công. Đây là nơi làm việc của những người có trình độ học vấn cao trong xã hội, nhưng hiện tượng như “nấu cháo” điện thoại của cơ quan, phòng điều hòa ở 16 độ C… vẫn luôn tái diễn.
Hình ảnh nhức nhối tại một số bệnh viện là phòng của bệnh nhân thì nóng bức, ngột ngạt, trong khi đó tại phòng của bác sĩ, y tá thậm chí còn rất lạnh do bật điều hòa hết công suất.
Văn hóa ăn uống cũng biểu hiện ý thức thiếu tiết kiệm của người Việt. Những người nước ngoài đến Việt Nam thắc mắc rằng: “Tại sao họ (người Việt) luôn để lại một chút đồ ăn mà không dùng hết?”. Khi đi ăn buffet cũng vậy, mọi người lấy rất nhiều nhưng lại không ăn hết, nhìn những đĩa thức ăn thừa mà thấy thật xót xa.
Người Việt quan niệm lấy nhiều hay lấy ít thì cũng chỉ phải trả một số tiền như nhau, thế nên họ lấy cho thật sướng tay. Thành ra mới có chuyện đi ăn buffet ở Việt Nam cần phải đi sớm, nếu không sẽ chẳng còn gì để dùng.

Tiết kiệm: cần có một thói quen

Thói quen tiết kiệm làm nên một quốc gia hùng mạnh như nước Nhật ngày nay. Quan chức Nhật Bản mỗi khi đi công tác người ngoài, họ chỉ thuê nhà nghỉ bình dân, không bao giờ ở những khách sạn sang trọng.
Trong giai đoạn khủng hoảng năng lượng, mọi người run lập cập trong mùa đông vì không dám bật máy điều hòa đủ ấm là điều dễ bắt gặp ở các công sở. Để hình thành thói quen như vậy, người Nhật đã được giáo dục từ nhỏ, họ luôn ý thức được vai trò của việc tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm công đối với bản thân và đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm về tiết kiệm là: “Tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phải là bủn xỉn, mà những việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng”.
Mỗi người dân Việt cần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tạo một thói quen tốt như người Nhật. Chúng ta có thể tiết kiệm từng đồng bạc lẻ cho bản thân, thì tại sao lại không tiết kiệm cái chung của đất nước.
Không chỉ người trẻ mà tất cả mọi người hãy chung tay xây dựng một xã hội tiết kiệm không chỉ để vượt qua khó khăn hiện tại mà còn vì thế hệ tương lai. Hãy đừng để tiết kiệm nơi công cộng chỉ là khẩu hiệu.

Đừng quá 'tự sướng' về phẩm chất người Việt

Chúng ta vẫn thường được nghe trên báo đài về các phẩm chất của người Việt như: cần cù chịu khó, có tố chất thông minh và sáng tạo, thân thiện và mến khách... Nhưng sự thật có phải như thế hay chúng ta đang tự huyễn hoặc mình bằng những điều hoa mỹ?
Những nhận định đánh giá này có khi là xuất phát từ chủ quan của người Việt mình, khi thì được trích dẫn từ góc nhìn của một người bạn nước ngoài nào đó. Chưa biết điều đó có thật sự đúng và khách quan hay không nhưng đôi lúc cũng làm cho tôi (và có lẽ cũng rất nhiều người khác) cảm thấy rất tự hào.
Tôi chưa có dịp đi ra nước ngoài để có thể có một sự trải nghiệm hoặc so sánh với người dân các nước khác xem thử dân mình có thật sự nổi bật hơn với những đức tính nói trên hay không.
Thế nhưng với những cảm nhận những gì đang xảy ra trong cuộc sống, cùng với những câu chuyện từ trên báo chí và của những người quen biết từng sống ở nhiều nước trên thế giới tôi chợt giật mình tự hỏi những gì lâu nay mình vẫn tự hào có phải là một sự huyễn hoặc hay ít ra đó là những đánh giá vội vàng, khiên cưỡng.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng tính cần cù chịu khó: nếu chịu khó lang thang trong các quán cà phê có mặt ở khắp nơi từ phố xá cho đến thôn quê ta không khỏi ngỡ ngàng bởi có vô số người đủ mọi thành phần, lứa tuổi đang rất nhàn rỗi bên những ly cà phê (hoặc nước giải khát) bất kể là nắng hay là mưa, trong giờ hành chính hay ngoài giờ, ngày nghỉ hay ngày làm việc.
Trong số đó có rất ít người đến để bàn công việc mà chủ yếu họ đến để “giết” thời gian. Mà nào đâu chỉ có quán cà phê, ở các quán nhậu, quán bi-a cũng có những cảnh tượng tương tự. Hoặc có điều kiện thâm nhập vào các công sở hẳn sẽ không khó khăn lắm để mục sở thị không khí là việc uể oải, “câu giờ” của nhiều công chức nhà nước...Lúc đó chắc hẳn mọi người sẽ tự hỏi cái chất cần cù, siêng năng, chịu khó đang thật sự ở mức nào?
Còn với đức tính thông minh, sáng tạo thì chúng ta phải đặt vấn đề là có bao nhiêu phát minh khoa học, bao nhiêu giải pháp công nghệ của người Việt được thế giới công nhận? Trong tất cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế, giáo dục… có bao nhiêu phần trăm hàm lượng công nghệ mang nhãn hiệu made in Việt Nam?
Khó có câu trả lời thật chính xác nhưng ta có thể nói ngay rằng những thành quả đó là rất ít, thậm chí là không đáng kể. Thật đáng buồn hơn khi hiện tại chúng ta hầu như chưa làm chủ được các kỹ thuật công nghệ nguồn .
Sự thân thiện và hiếu khách của người Việt thì sao? Thật sự thì cũng khó đồng tình khi chúng ta thường xuyên nghe sự ta thán của không ít của du khách nước ngoài, các đối tác làm ăn kể cả các Việt kiều về việc các nhân viên hải quan, tiếp viên hàng không Việt Nam - những người được coi là tiếp tân của quốc gia, sao thường xuyên thiếu vắng nụ cười .
Cũng tương tự khi đến các công sở nhà nước, các bệnh viện, trên xe buýt… chúng ta cũng hiếm khi nhận được sự niềm nở ân cần. Rồi thì nạn chặt chém du khách, nạn chèo kéo, bu bám du khách ở rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước đã chứng minh điều ngược lại cho nhận định về sự thân thiện và hiếu khách.
Chưa kể một số mặt khác như kỷ luật lao động, tinh thần hợp tác làm việc theo nhóm, ý thức cộng đồng, tính cầu thị và khả năng học hỏi của người Việt mình cũng không được đánh giá cao.
Nói như thế tôi không có ý định phủ nhận cũng như đánh giá thấp tất cả những đức tính tốt đẹp của tất cả người Việt mình, cũng không phải là một cách nhìn tự ti. Ở đâu đó và ở những thời điểm nào đó cũng có không ít con dân đất Việt đang hăng say miệt mài lao động sáng tạo và gặt hái được những thành công đáng ghi nhận.
Cũng có biết bao nhiêu con người dù trong gian khó vẫn lạc quan yêu đời, vẫn luôn luôn nở nụ cười đem lại cho cuộc sống này những gam màu tươi mát. Chỉ có điều nó chưa thật sự trở thành sâu rộng, phổ biến đến mức nổi bật và mang tính đại diện cho cả dân tộc.
Tuy nhiên tôi vẫn tin rằng tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam đều có sẵn những đức tính cần cù thông minh, sáng tạo và cũng cực kỳ thân thiện hiếu khách. Vấn đề là chúng ta phải làm sao gợi dậy được những đức tính đó.
Thế nhưng để làm sao cho những đức tính đó được bộc lộ, phát huy và lan tỏa một cách rộng khắp để trở thành như một thứ “quốc bảo” thì có lẽ còn quá nhiều việc phải làm.

Người Việt mất hàng tỷ USD vì 'trà chanh, chém gió'

Mô hình "trà chanh" vô cùng hấp dẫn vì nó quá "hợp gu" với văn hóa đánh nhanh thắng gọn của nhiều người Việt. Nhưng chính tâm lý này đã góp phần san bằng sàn chứng khoán, đóng băng bất động sản.

Thời gian gần đây khắp hang cùng ngõ hẻm đất Sài thành các quán trà chanh, phô mai que, chè khúc bạch mọc lên như nấm sau mưa. Phong trào lên cao đến mức vào Google đánh chữ “trà” sẽ hiện chữ “chanh”, đánh chữ “chanh” sẽ hiện chữ “chém”, đánh chữ “chém” sẽ hiện chữ “gió”.
Khoan bàn đến chuyện được, thua hay thành, bại của “mô hình kinh doanh” này, điều thú vị ở đây là chủ các “doanh nghiệp trà chanh” này hầu như là các bạn trẻ, rất trẻ (8X “đời cuối” hoặc 9X). Nhân hiện tượng xã hội này, chúng ta thấy gì từ lớp “doanh nhân trẻ” của nước nhà.

Từ chuyện “một vốn bốn lời”...

Một ly trà chanh có vốn 1.000 đồng -2.000 đồng, bán được 8.000 đồng. Với số vốn bỏ ra ban đầu khoảng chưa đến chục triệu chỉ cần địa điểm kinh doanh thuận lợi thì có khi chỉ vài tuần là thu hồi vốn. Thu nhập “siêu khủng” này khiến 1 đồn 10, 10 đồn 100, chủ quán kinh doanh “phấn khởi” liên tục mở chi nhánh 2, 3, 4… khiến thị trường “ngập lụt” trong thời gian ngắn.

… đến nền kinh tế “trà chanh”…

Lợi nhuận biên cao, vốn đầu tư thấp, mô hình kinh doanh đơn giản vốn là sự mâu thuẫn mà mọi lý thuyết kinh tế đều phủ nhận. Tuy nhiên, trong những giai đoạn nhất định (thường là rất ngắn) nó vẫn tồn tại trước khi “bàn tay vô hình” sắp xếp lại trật tự vốn có của nó.
Hơn nữa mô hình “trà chanh” vô cùng hấp dẫn vì nó quá “hợp gu” với văn hóa “đánh nhanh thắng gọn”. Những tưởng người ta chỉ cần rửa mặt bằng nước lạnh là tỉnh, thế nhưng hỡi ôi, cơn “sóng thần” san bằng chứng khoán, bất động sản vẫn chưa xóa tan nổi cái ảo giác về sự “vào đúng chỗ, ra đúng lúc”. Họ đã nhận được bài học thích đáng, nhưng lại biên dịch nó sai. Họ vẫn khát khao siêu lợi nhuận với rủi ro thấp bằng cách rút ngắn thời gian đầu tư.
Ở nước ngoài người ta tự hào đưa vào logo dòng chữ “since 18xx” để khẳng định giá trị thì ở nước ta nhìn lại mà bùi ngùi có mấy nhà được như thế? Có chăng tôi vẫn thầm ngưỡng mộ khi bước vào một quán gà hấp muối “since 1949” ở quận 5, đã 3 đời kinh doanh một món ngon “bí truyền”, khiêm tốn trong một con hẻm nhỏ và nội thất rất đỗi bình dân… giá trị bền vững nằm ở những nơi như thế.

… và những doanh nhân “chém gió”

Hỏi mà xem, phần lớn những “doanh nhân” kia đều có chung xuất phát điểm là khách hàng của chính mô hình kinh doanh của chính họ. Hàng tỷ đôla để trả giá cho triệu con người đang “chém gió” ở quán trà chanh, cà phê máy lạnh, quán nhậu bình dân (không phải là cái giá của ly nước, mà là chi phí cơ hội mất đi).
Người ta viện cớ “ra quán bàn công chuyện”, những cái cớ ngớ ngẩn. Những nơi ấy thường sản sinh ra sự lười biếng, bệnh tham nhũng, sự phung phí, thói chộp giật và bắt chước trơ trẽn nhiều hơn là những ý tưởng kinh doanh nghiêm túc. Nhìn ở một góc độ khác, đó cũng là sự hoảng loạn trong suy thoái.
Người ta bàn về phục hồi kinh tế hình chữ V, rồi chữ U... Lạc quan thật. Sự hồi sinh sẽ không đến từ nền kinh tế “trà chanh” và các doanh nhân “chém gió”. Có chăng đây là cuộc đào thải để cho những ai sống sót một cơ hội làm lại từ đầu, và chỉ có làm đúng mới có hy vọng, còn không sẽ là một mô hình kinh tế chữ L nối tiếp nhau.
Doanh thu chỉ ổn định khi lợi thế cạnh tranh không thể bắt chước dễ dàng. Lợi nhuận cao chỉ có trên nền tảng sự sáng tạo và đổi mới không ngừng. GDP chỉ tăng mạnh khi có nhiều hơn người Việt, sống tại nước Việt, làm ra sản phẩm Việt có giá trị kinh tế cao.

Cách kiếm tiền nhanh nhất: làm ăn chân thật

Việc các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chọn bán hàng cho một người khách để lấy 5 đồng thay vì bán cho mười người để lấy của mỗi người một đồng, không phải là một lựa chọn khó hiểu. Nhưng họ sẽ dần nhận ra rằng lối ăn xổi, bóc ngắn cắn dài đó không phải là cách kiếm tiền hiệu quả nhất.

Chân thật sinh lời. Trong cuốn "Võ sĩ đạo: Linh hồn của nước Nhật", khi nói đến thói làm ăn tráo trở của lái buôn Nhật bị người châu Âu chỉ trích vào thời đấy, Inazo Nitobe có viết "Vào tháng 11 năm 1880, Bismarck có gửi một thông tri đến các lãnh sự Đức ở nước ngoài, cảnh báo họ về "một sự thật đáng quan ngại về tình trạng các hàng hóa trên các tàu buôn của nước Đức không được tin cậy cả về chất lượng lẫn số lượng".
Ngày nay (những năm 1900), chúng ta hầu như không nghe thấy ai than phiền về sự bất cẩn hay tín trí trá của người Đức trong nghề buôn. Trong vòng 20 năm, lái buôn nước Đức học được rằng là nói cho cùng thì làm ăn chân thật là cách kiếm lời nhanh nhất.
Giờ đây, lái buôn của chúng tôi (nước Nhật), đã lĩnh hội được điều đó. Khi một đất nước mở cửa cho nền kinh tế thị trường, thì việc xuất hiện một bộ phận những người muốn kiếm lời trong ngắn hạn bằng thói gian dối, biển lận là dễ hiểu. Dẫu rằng ở những nước nổi tiếng kỷ luật bậc nhất thế giới như Đức hay Nhật cũng vậy.
Thế nhưng người ta học được rất nhanh rằng đến cuối cùng thì uy tín mới là mặt hàng kiếm lời nhanh nhất, vậy nên đến tận ngày nay, hàng hóa Đức hay Nhật Bản vẫn nổi tiếng vì chất lượng của mình. Một bài học nghe có vẻ đơn giản, nhưng phải mất hàng chục năm để một quốc gia thấm được tinh thần ấy.
Cách đây 3, 4 năm tôi có nói chuyện với một doanh nhân đã lăn lộn gần 20 năm buôn bán làm ăn với Nhật, Hàn, Trung. Anh ấy nói "Cái điểm khác biệt giữa làm ăn với người Nhật và người Hàn là: Khi làm ăn với người Nhật thì họ sẽ lôi hết tất cả xấu tốt ra đặt trước mặt mình, rồi bảo: “Đấy, mày làm thì làm không làm thì nghỉ”. Còn làm với người Hàn thì họ sẽ chỉ nói điểm tốt mà không đề cập đến điểm xấu.
Một người bạn Mỹ của tôi đã từng sống nhiều năm ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc có nhận xét: "Cả ở Nhật lẫn ở Hàn, họ đều học "như trâu", nhưng điểm khác biệt là trong giờ kiểm tra, nếu có thể quay cóp mà chắc chắn không bị phát hiện thì người Hàn sẽ làm, còn người Nhật thì không".
Hàn Quốc bắt đầu kinh tế thị trường từ đầu những năm 1960, có thể còn có yếu tố văn hóa ảnh hưởng ở đây, nhưng cho dù chậm hơn Nhật thì với những công ty lớn của họ đang vươn ra toàn cầu, tôi cho rằng họ đã ít nhiều nhận ra rằng thành thật trong kinh doanh không chỉ là vấn đề về đạo đức mà còn về cả lợi nhuận.
Mấy năm nay đọc báo, thấy dư luận trong nước càng ngày càng ca thán về tình trạng chặt chém, lừa đảo khách hàng. Nước ta đi theo kinh tế thị trường chậm hơn người khác cả trăm năm,  mà quá trình học hỏi cũng chậm hơn, thì không cách nào đuổi kịp người ta.
Việc các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chọn bán hàng cho một người khách để lấy 5 đồng thay vì bán cho mười người để lấy của mỗi người một đồng, không phải là một lựa chọn khó hiểu. Nhưng cũng như ở những nước khác, họ sẽ dần dần nhận ra rằng lối ăn xổi, bóc ngắn cắn dài đó không phải là cách kiếm tiền hiệu quả nhất.
Đã có một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam nhận ra điều này, nhưng ở trong một môi trường mà số đông chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, họ bị thiệt thòi cả về uy tín chung lẫn về lợi nhuận.
Sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ học được bài học mà người Đức hay người Nhật đã học được cách đây hơn 120 năm: "Honesty is the best policy" - "Thật thà là cách làm việc tốt nhất". Nhưng học được càng muộn thì cái giá phải trả càng đắt và bài học càng đớn đau.

Monday 12 August 2013

Đổ nợ vì kinh doanh cà phê qua mạng

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê ở Tây nguyên đã đổ nợ khi mạo hiểm tham gia thị trường buôn bán cà phê qua sàn giao dịch trên mạng.

Phương thức kinh doanh này được thực hiện thông qua hai sàn giao dịch chính là New York và London. Chưa kể còn có nhiều công ty xuyên quốc gia luôn chào mời tham gia mua bán cà phê ảo qua sàn của họ.
Điều kiện tham gia rất đơn giản, chỉ cần ký quỹ 10% vào ngân hàng, đăng ký tài khoản... là có thể giao dịch. Nhiều doanh nghiệp (DN) tư nhân không có kinh nghiệm về thị trường cà phê quốc tế, hăm hở tham gia giao dịch và lập tức đã bị thua lỗ. Một số người tham gia giao dịch với số lượng ít, ban đầu có lãi thấy ham nhưng rồi càng chơi càng lỗ, mà càng lỗ lại càng tìm cách gỡ và càng mất tiền.
Không dự báo được thị trường cà phê thế giới, thiếu kinh nghiệm giao dịch, dự đoán sai xu hướng giá và tâm lý các nhà đầu tư, không cập nhật được các yếu tố ảnh hưởng của tình hình chính trị, kinh tế... thế giới đối với giá cà phê, vì vậy mà không ít DN lâm cảnh thua lỗ.
Mới đây, một DN cà phê có tiếng ở Pleiku đã thua lỗ hơn 40 tỉ đồng trong kinh doanh cà phê thật lẫn ảo. Cách đây chưa lâu, một DN tư nhân ở Gia Lai cũng lâm vào tình trạng phá sản khi thua lỗ đến 17 tỉ đồng vì kinh doanh cà phê qua mạng. Thống kê của tỉnh Đắk Lắk cho thấy có 43 DN, đại lý kinh doanh cà phê ở tỉnh này vỡ nợ với số tiền khoảng 300 tỉ đồng, trong đó có nguyên nhân từ kinh doanh cà phê ảo.
Anh N. (ở TP.Pleiku), một người từng mất hơn chục tỉ đồng do thua lỗ từ kinh doanh cà phê qua sàn cho biết: “Với mức ký quỹ 10%, cứ 1 lot (tương đương 10 tấn, 120 USD/tấn) chỉ cần ký quỹ 1.200 USD trong khi nếu buôn hàng thật sẽ phải bỏ ra khoảng 400 triệu đồng. Điều mình không ngờ là giới đầu cơ "cá mập" có nhiều cách thao túng thị trường, giá lên hay xuống là do họ. Sau khi lỡ mua giá cao, khi giá  xuống thấp, mất giá cận kề mức 10%, nếu không có tiền bỏ vô thêm để duy trì trạng thái, tài khoản sẽ tự động tất toán (stop lot). Nhà đầu tư sẽ mất hết số tiền ký quỹ ban đầu. Do thiếu hiểu biết, chỉ một thời gian ngắn của năm 2008, tôi đã mất đứt hơn chục tỉ đồng”. Anh T., một nhà đầu tư cà phê khác nhớ lại: “Năm 2008, chỉ trong vài phiên tôi đã mất trắng 5 tỉ đồng, phải bán tháo hơn 40 lot. Tiếp đó trong tháng 6.2008, hơn chục tỉ đồng nữa cũng mất đứt vì càng gỡ càng thua”.
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam - khuyến cáo: “Các đơn vị, cá nhân tham gia buôn bán cà phê qua mạng hãy thận trọng vì không khéo đó là con dao hai lưỡi, đứt tay lúc nào chẳng hay”.
Trần Hiếu

Friday 9 August 2013

Những kiểu nghề nghiệp làm hao mòn sức khỏe của bạn

1. Áp lực lớn
Thường xuyên phải làm việc trong tình trạng căng thẳng là một trong những cách mà công việc có thể gây tổn hại cho sức khỏe của chúng ta. Căng thẳng ở đây không chỉ đơn giản là do phải thuyết trình trước sếp. Đó là sự căng thẳng về việc phải giải cứu trẻ em ra khỏi đám cháy, hoặc căng thẳng khi đối phó với tình huống giải cứu con tin có vũ trang. Trong số các nghề nghiệp tại Mỹ thì những người làm nghề ứng phó khẩn cấp có hồ sơ sức khỏe tồi tệ nhất, với 22% nhân viên cảnh sát và 45% lính cứu hỏa chết vì những vấn đề liên quan đến tim do căng thẳng.
2. Làm việc theo ca

Đồng hồ sinh học rất có giá trị và những người làm việc theo ca trên thực tế đang gây tổn hại vĩnh viễn đến đồng hồ sinh học bên trong cơ thể họ. Làm việc theo ca không chỉ gia tăng căng thẳng và mệt mỏi. Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng nồng độ insulin cũng dao động và huyết áp cũng thay đổi ở những người làm việc theo ca.
3. Làm việc nhiều giờ
Thường xuyên làm việc nhiều giờ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chúng ta. Các nhà nghiên cứu đến từ Anh đã phát hiện ra rằng những người làm việc ít nhất 11 giờ mỗi ngày có nguy cơ bị bệnh tim cao hơn 67% so với những người làm việc dưới 8 giờ. Chính vì thế, lần tới khi bạn cân nhắc việc làm thêm giờ thì hãy nghĩ xem sức khỏe của mình sẽ bị tác động thế nào nhé.
4. Mất việc
Trong tình hình kinh tế ngày nay thì mất việc không phải là điều mà bạn có thể luôn luôn tránh được. Theo một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Harvard tiến hành năm 2009 - thời kỳ thất nghiệp đạt mức cao điểm tại Mỹ - thì những người mới bị mất việc có nguy cơ mắc các bệnh về tim cao hơn so với những người có công việc ổn định. Chính vì thế, nếu bạn muốn chắc chắn rằng công việc sẽ không ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe của mình thì hãy cố gắng tìm một công việc càng ổn định càng tốt.
5. Nghề ít vận động
Ngồi lì một chỗ trong suốt ngày dài hoàn toàn không tốt cho sức khỏe; và làm những công việc ít vận động chính là một cách khác mà công việc có thể ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe của chúng ta. Các nhà khoa học đến từ ĐH California (Mỹ) đã phát hiện ra rằng khoảng 56% những người làm nghề lái xe buýt mắc phải chứng cao huyết áp. Con số này gần như cao hơn gấp đôi so với những người làm các công việc cần vận động.
6. Hít phải khói thuốc
Mặc dù một số quy định về việc cấm hút thuốc ở nơi công cộng đã được ban hành nhưng vẫn có những nơi mà người lao động bị đặt vào tình thế buộc phải hít khói thuốc thường xuyên và với số lượng lớn. Đau tim, ung thư phổi, và các bệnh về đường hô hấp một số hậu quả phổ biến do hút thuốc thụ động. Có thể công việc của bạn không bị áp lực cao nhưng phơi nhiễm khói thuốc thụ động có thể gây ra những tổn hại lâu dài cho sức khỏe của bạn.
7. Khó chủ động kiểm soát công việc
Chúng ta thường thích có khả năng kiểm soát công việc và những gì xảy ra trong ngày. Những người ít có khả năng kiểm soát công việc của chính mình do phải phụ thuộc vào người khác thường có nguy cơ bị các bệnh liên quan đến căng thẳng nhiều hơn. Chính vì thế, nếu bạn muốn hạn chế tác hại của công việc đối với sức khỏe thì hãy tìm một công việc mà tự bản thân bạn có thể kiểm soát công việc của chính mình nhiều hơn.
8. Phơi nhiễm khí CO
Nếu bạn làm việc ở các đường hầm bẩn thỉu trong suốt cả ngày dài thì rất dễ hiểu là sức khỏe của bạn có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực. Các sinh viên y khoa đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện ra mối liên hệ trực tiếp giữa việc công nhân phải tiếp xúc với khí CO trong đường hầm và tăng nguy cơ các vấn đề liên quan đến tim mạch, ví dụ như bệnh tim.

Monday 5 August 2013

Kéo dài tuổi thọ pin laptop

Pin máy tính xách tay của bạn nhanh hết hơn so với trước đây? Bạn chỉ làm việc được 1 – 2 giờ trước khi phải cắm sạc vào ổ điện? Có vẻ đã đến lúc cần thay thế pin, nhưng trước hết, bạn cần biết một vài điều liên quan.

Pin máy tính xách tay (MTXT) khá đắt tiền. Pin mới được bán với giá phổ biến 100 USD hoặc cao hơn, có khi lên tới 150 USD. Một chiếc MTXT bình dân mới cứng có giá chừng 300 USD. Như vậy, thay pin có thể là một giải pháp “khó nhằn”. Cho dù bạn đã sẵn sàng thay pin ngay hay chỉ mới suy nghĩ về việc đó, thì cũng cần nắm được 3 điều sau:
1. Hầu hết pin MTXT bắt đầu yếu đi sau 1-2 năm. Tất nhiên, điều này thay đổi tùy thuộc vào cách sử dụng của bạn, nhưng trung bình pin MTXT dùng tốt trong khoảng 400 lần sạc lại (hay còn gọi là cycle – chu kỳ). Sau đó, nó bắt đầu mất dần khả năng tích điện.
Đó là lý do tại sao khi mới mua, pin của bạn dùng được 3 – 4 giờ mà nay chỉ chạy được 1 – 2 giờ. Và sau một vài năm, bạn có thể khá may mắn khi chạy được thậm chí chỉ 1 giờ.
2. Có thể kéo dài tuổi thọ viên pin hiện tại của bạn. Nếu bạn sử dụng MTXT như chiếc máy tính để bàn, bạn có thể đang lãng phí số chu kỳ sạc của pin khi lúc nào cũng cắm bộ sạc vào ổ điện.
Giải pháp: tháo pin ra cho đến khi bạn thực sự cần phải đi đâu đó với chiếc MTXT của mình. Khi MTXT được cắm vào ổ điện qua AC adapter, nó không thực sự cần đến pin.
3. Tính đến những lựa chọn thay thế của bên thứ ba. Khi bạn pin, bạn không nhất thiết phải mua từ nhà sản xuất chiếc MTXT của mình, vì có thể sẽ phải trả mức giá cao.
Thay vào đó, hãy tìm kiếm trên mạng xem có loại pin nào phù hợp, giá “mềm” hơn của các hãng thứ ba hay không. Nếu máy của bạn là một model phổ biến, gần như chắc chắn sẽ có.
Thị trường hiện có một số loại pin thích hợp với nhiều model MTXT, có số chu kỳ là 800 (gấp đôi bình thường) mà giá lại khá cạnh tranh (khoảng 88 USD hoặc hơn).

Cách sử dụng pin và sạc laptop hợp lý

“Nếu thường xuyên ngồi một chỗ thì bạn có thể sạc pin thật đầy rồi tháopin ra luôn và chỉ sử dụng bộ sạc”, lời khuyên của chuyên gia nhằm kéo dài tuổi thọ cho pin của máy tính xách tay được không ít báo đăng tải. Đáng tiếc rằng lời khuyên này có thể làm chiếc máy tính xách tay “chết bất đắc kỳ tử”.
Lời khuyên này đã lập tức nhận được sự hưởng ứng của số đông người dùng bởi xu hướng sử dụng máy tính xách tay thay máy để bàn đang ngày càng gia tăng. Khi làm việc trong môi trường ít di chuyển thì điều mà nhiều người sử dụng băn khoăn là liệu có cần thiết phải lắp pin trong khi máy tính đặt gần nguồn điện, rất dễ dàng cắm sạc? Và nếu có thể tháo pin cất đi thì cũng đồng nghĩa với việc pin không phải làm việc nhiều, sạc ít lần, tuổi thọ của pin được kéo dài hơn, thời gian sử dụng của pin được lâu hơn…


Quan điểm cất pin đi sẽ vô cùng tai hại bởi chỉ một lần không may mắn, do nguồn điện lưới trồi sụt đột ngột hoặc do bộ sạc (adapter) sử dụng liên tục lâu ngày bị đoản mạch thì các bo mạch, chíp của máy sẽ “gánh chịu” rủi ro với nguy cơ chập cháy rất cao. Rủi ro còn là mất dữ liệu, lỗi file, lỗi phần mềm hệ thống khi máy không được lắp pin. Bởi trong tình huống mất điện thì pin sẽ thực hiện chức năng như một bộ lưu điện tức thời (UPS on-line). Còn về quan điểm “sạc liên tục trong khi sử dụng sẽ làm chai pin hoặc nhanh hư” cũng lại không chính xác. Phần lớn máy tính hiện nay đều được thiết kế bộ chuyển mạch, tự động lựa chọn nguồn cấp phù hợp, ổn định và pin thế hệ mới. Điều này đồng nghĩa với việc những máy này có khả năng dùng nguồn trực tiếp từ bộ sạc, không cần lắp pin và nếu có lắp pin thì cũng tự động lựa chọn nguồn cấp từ bộ sạc khi dòng điện ổn định. Vậy phương pháp sử dụng đúng mực nhất đó là sử dụng pin bình thường: Sạc đầy, dùng bộ sạc khi làm việc ở nhà, dùng pin khi di chuyển, vừa an toàn cho máy lại không phải “vất vả” vì pin. Chú ý: chỉ tháo lắp pin trong tình trạng máy đã tắt hoàn toàn và không cắm sạc. Khi sạc pin, nên cắm đầu nguồn vào ổ điện trước, cắm đầu sạc vào máy sau. Cuối cùng, nếu thấy hiện tượng pin bị suy kiệt quá nhanh, nóng bất thường, bạn cần nghĩ tới việc vệ sinh lại các điểm tiếp xúc điện trên pin.
Dùng Pin Laptop như thế nào ?
Không nên đặt laptop trên giường đệm hay dùng gối thay cho mặt bàn đặt laptop vì chúng sẽ che mất khe thoát nhiệt bên dưới lap. Không nên dán nilon phủ kín máy bởi vỏ máy cũng là một thành phần thoát nhiệt khá hữu ích. Khi dùng xong, tắt máy nên đợi một vài phút mới cho máy vào túi hay balo bởi chúng giữ nhiệt khá tốt, nhiệt lượng còn trong Lap chưa được tỏa hết sẽ có hại cho máy. Hạn chế sử dụng laptop đến cạn kiệt pin vì pin Li-ion dùng cho laptop không có hiệu ứng nhớ nên xảy ra tình trạng chai pin. Chính các nhà sản xuất đã hạn chế điều này khi chỉ cho laptop hoạt động khi pin > 5-10% dưới mức đó, máy sẽ tự động tắt. Nếu laptop của bạn không có phần mềm quản lý pin, để tránh tình trạng pin sạc xả nhiều lần không đáng (ví dụ laptop còn 98% pin, nó sẽ tự sạc như vậy sẽ lãng phí số lần sạc xả) hãy cắm sạc liên tục. Điều này sẽ không gây hại vì khi pin đầy, mạch điện của pin sẽ tự ngắt, không cho sạc nữa. Khi sử dụng pin, hãy dùng cho đến khi nó còn đến 10-20% hãy sạc lại, bởi nếu chỉ dùng vài % mà đã sạc ngay nhiều lần, số cell của pin không được dùng đến cũng tự chai. Nếu cắm sạc thường xuyên cũng cố gắng định kỳ 1-2 tuần 1 lần sạc xả. (dùng gần hết rồi sạc đầy) Nên vệ sinh mạch tiếp xúc của pin, tránh tình trạng tiếp xúc kém gây hỏng pin.
Những điểm cần lưu ý khác
Không nên tháo pin và sử dụng nguồn điện trực tiếp bởi nguồn điện trực tiếp không được ổn định, khi xảy ra sự cố sẽ gây ảnh hưởng đến công việc bạn đang làm và laptop (hỏng nguồn, main…) . Không nên thường xuyên sử dụng đến mức 0% dung lượng, hãy thiết lập máy của bạn tự đi vào chế độ “ngủ đông” (hibernate) khi pin còn khoảng 5%-10% dung lượng. Cân chỉnh lại “đồng hồ đo dung lượng pin” (re-calibrate) sau mỗi 3 tháng bằng cách sử dụng pin tới khi máy tự tắt do hết pin, rồi sau đó sạc đầy lại trước khi tiếp tục sử dụng bình thường.
Thủ thuật (re-calibrate) là gì ?
Sau một thời gian sử dụng, sẽ có hiện tượng mạch quản lý lượng pin không nhận đúng dung lượng pin (giống như đồng hồ chạy sớm/trễ), hoặc pin bị chai. Do đó, Recalibrate (điều chỉnh lại) sẽ giúp cải thiện vấn đề này.Cách Re pin:
Cắm sạc đầy pin, sau đó rút sạc và dùng bình thường cho tới khi gần cạn pin, lúc còn khoảng 7 – 10% thì bạn khởi động lại máy và vào chế độ Bios, để nguyên máy đó tới lúc 0% và máy tự tắt vì cạn pin. Để pin ở tình trạng 0% đó trong khoảng 6 – 8 tiếng, sau đó cắm sạc lại và dùng bình thường. 3 tháng nên Re nhưng cẩn thận hơn bạn nên dùng phần mềm. “Battery care ” được xem là một phần mềm tốt đáp ứng cho việc này.

Tiết kiệm pin cho laptop

Kinh nghiệm tiết kiệm pin cho laptop không bao giờ cũ, dù bạn có là “tay chơi” đồ hi-tech chăng nữa.


Phần lớn chúng ta có lẽ biết vài nguyên tắc cơ bản tiết kiệm pin laptop:
- Giảm sáng màn hình
- Giảm tối đa phần mềm chạy nền
- Không dùng CD/DVD liên tục
- Tắt ăng ten và kết nối wireless nếu có khi không dùng
Nhưng không phải ai cũng biết tất cả về công nghệ làm pin, vài chú ý sau sẽ giúp “giảm tải” cho pin bạn rất nhiều.
Tận dụng pin tối đa
Bạn có thể bỏ hàng giờ mò mẫm, tinh chỉnh phần mềm, nhưng thời gian dùng pin phần lớn do cấu hình laptop quyết định. Các phần mềm quản lý tiêu thụ điện trên laptop phổ biến cũng giúp được một chút. Đó là lý do bạn nên tính trước mức tiêu thụ điện khi chọn mua máy tính xách tay.
- Tắt bỏ các cổng không dùng như VGA, Ethernet, PCMCIA, USB và Wifi giúp tiết kiệm khá nhiều điện. Bạn có thể tắt chúng qua My computer > Device manager.
- Người dùng thường xuyên tắt/bật các thành phần trên nên tạo riêng nhiều chế độ tiết kiệm điện: Trên máy bay, trong quán cà phê, tại công ty, tại nhà v.v.. bằng cách nhấn chuột phải lên My Computer > Prefences hoặc dùng phần mềm ngoài như Sparkle XP
- Giảm thời gian chờ tự động tắt màn hình. Điều chỉnh phần này bằng cách nhấn chuột phải lên desktop > Properties > Screen Saver > power, hoặc Control Panel > Power Options.
Kéo dài thời gian sử dụng pin
Để pin nóng quá mức hoặc dùng sai adapter cấp điện sạc là cách nhanh nhất “tiễn” pin laptop của bạn lên đường, hoặc chí ít cũng khiến pin “giảm thọ”. Nhằm tránh pin nóng quá, bạn nên:
- Dùng bàn kê có chức năng làm mát khi dùng máy.
- Tránh kê laptop lên gối, chăn, hoặc các bề mặt mềm kín gió gây nóng pin.
- Dọn dẹp sạch sẽ bàn làm việc. Nghe có vẻ kì quặc, nhưng bàn làm việc bẩn sẽ khiến bụi chui sâu vào máy tính, rất khó xử lý.
- Hạn chế dùng laptop ngoài trời nắng, hoặc gần các nguồn phát nhiệt như… lò nướng.
- Bỏ pin ra khi dùng máy trực tiếp bằng điện nguồn.
- Pin lithium-ion không đòi hỏi phải nạp đầy trước khi dùng do không gặp vấn đề “nhớ” như pin nickel-metal. Trên thực tế, bạn nên sạc lại pin khi vẫn còn một phần, thay vì dùng “kiệt” điện rồi mới sạc. Chỉ nên dùng cạn kiệt pin sau khoảng 30 lần sạc.
Dùng adapter có công suất cao hơn laptop và pin yêu cầu sẽ khiến pin giảm thọ nhanh chóng. Nếu không dùng adapter đồng bộ, chú ý số Watt trùng với số ghi trên laptop và Pin. Trường hợp xấu nhất, bo mạch chủ của laptop bạn có thể .. ra đi vì sai điện nguồn.
Chọn laptop tiết kiệm điện nhất
Nếu bạn đang phân vân chọn mua máy tính xách tay mới, vài đặc điểm sau sẽ giúp kéo dài thời gian dùng pin tối đa:
- CPU là tác nhân ngốn điện nhất trong máy. Các dòng chip Penryn của Intel và ULV của VIA là lựa chọn lý tưởng.
- Ổ cứng flash mặc dù đắt hơn ổ cứng từ thông thường, nhưng tốn ít điện hơn và bền hơn nhiều lần.
- Màn hình LED đắt tiền hơn LCD, nhưng dùng ít điện hơn hẳn.
- Màn hình nhỏ hơn sẽ tiết kiệm điện dành cho đèn nền hơn. Laptop thực ra không cần màn hình “cỡ đại”.
Chọn pin cũng khá quan trọng. Theo vài chuyên gia, không phải mọi pin lithium-ion đều có chất lượng tương đương do thành phần chế tạo có khác nhau. Đó là lý do vài loại pin rất đắt, trong khi loại khác vô cùng rẻ. Không dễ phân biệt pin tốt-xấu ngoài dựa vào… giá và thương hiệu, nhưng cũng có vài mẹo nhỏ giúp bạn:
- Đừng vội vã chọn pin loại rẻ tiền. Pin rẻ tiền xuống cấp rất nhanh, dẫn đến tổng chi phí mua pin thay thế vượt cả tiền đầu tư pin “xịn” ngay từ đầu.
- Không mua pin cũ hoặc pin “quá đát”. Cố gắng tìm ngày sản xuất có ghi trên pin.

Những điểm dễ ‘bỏ sót’ khi chọn laptop

Chipset, dòng card đồ họa, tốc độ ổ cứng hay số khe cắm RAM có thể khiến các model có cấu hình gần tương tự nhau nhưng giá bán chênh lệch hàng triệu đồng.
Ảnh hưởng tới giá bán của một chiếc laptop luôn có rất nhiều yếu tố như thương hiệu, thiết kế, công nghệ, tính năng và cấu hình. Phần cứng của máy luôn được người sử dụng xem xét đến đầu tiên nhưng sự thiếu đầy đủ trong việc ghi chi tiết cấu hình của một số đơn vị bán hàng có thể khiến người tiêu dùng gặp khó trong việc lựa chọn. Những câu hỏi thông thường nhất xảy ra là tại sao cùng tốc độ vi xử lý, bộ nhớ RAM hay ổ cứng mà model này lại đắt hơn model khác đến hàng triệu đồng.
Sau đây là những yếu tố quan trọng tạo sự khác biệt:
Chipset
Chipset rất ít được để ý khi chọn máy tính xách tay.
Trong các thông số kỹ thuật thì chipset của máy luôn nằm trong số ít được quan tâm nhất, đặc biệt là trong thời điểm “giao thời” giữa hai thế hệ. Phổ biến nhất hiện nay là sự “nhập nhằng” giữa Intel HM76 Express Chipset và Intel HM65 Express Chipset.
Intel HM76 Express Chipset là nền tảng mới nhất, ra đời tháng 4/2012 được Intel xếp hàng “Performance” giúp hiệu năng hệ thống mạnh hơn, khai thác tối đa khả năng của CPU, hỗ trợ cả vi xử lý Core I thế hệ 3 và thế hệ 2. Ngoài ra, đây cũng nền tảng đầu tiên được hỗ trợ chính thức USB 3.0 với tốc độ nhanh gấp 10 lần USB 2.0 trước đó. Khả năng hỗ trợ hiển thị 3 màn hình độc lập (kết nối cùng lúc với màn hình chính và màn hình phụ qua cổng VGA và HDMI).
Trong khi đó, Intel HM65 Express Chipset là nền tảng cũ, được Intel xếp vào hàng “Value”, thiên về giá bán rẻ. Nền tảng này ra mắt tháng 1/2011, hiệu năng hệ thống thấp hơn, không hỗ trợ USB 3.0 và chỉ có thể xuất hình ảnh ra tối đa 2 màn hình.
Trên thị trường các mẫu laptop chipset mới thường chỉ được trang bị trong các model cao cấp. Rất ít hãng như Toshiba trang bị chipset mới nhất trên các dòng máy phổ thông C800, L800, M800 series ra đời năm 2012.
Vi xử lý

Không nên chỉ nhìn vào tốc độ mà còn phải để ý tới dòng vi xử lý mới là quan trọng.
Nhiều người dùng khi chọn mua laptop thường chỉ để ý đến tốc độ của chip xử lý mà quên đi các thông số khác cũng gây ra ảnh hưởng lớn tới hiệu suất máy. Ví dụ: Dual Core, Core 2 Duo thì khá dễ phân biệt nhưng với dòng chip Core i3, i5 hoặc i7 lại có tới ba thế hệ nên sẽ khiến nhiều người dùng phổ thông khó nhận biết. Trong bộ ba này, Core I đời đầu là dễ nhận biết nhất nhờ chỉ có 3 chữ số và một hậu tố phía sau như Core i3-520UM trong khi hai phiên bản còn lại đều có tới 4 chữ số và một hậu tố như Core i7-2820QM.
Để phân biệt giữa thế hệ Core I thứ hai và thứ ba người dùng cần nhìn vào chữ số đầu tiên trong ký hiệu của vi xử lý. Nền tảng Sandy Bridge thường bắt đầu với chữ số “2” trong khi nền tảng Ivy Bridge bắt đầu với chữ số “3”.
Các mẫu laptop cách thế hệ vi xử lý dù cùng tốc độ nhưng có khoảng cách về mặt chi phí khá lớn, lên đến 2-3 triệu đồng. Ví dụ Core I đời đầu tiên giờ đã khá cũ và chỉ còn giá trong khoảng dưới 10 triệu đồng, giá Core I thế hệ hai vào khoảng 10 đến 12 triệu đồng trong khi thế hệ 3 đắt hơn tới 14 đến 15 triệu đồng. Hoặc như Intel i7-3720QM sẽ là tên mã của một bộ vi xử lý Ivy Bridge vừa được giới thiệu, trong khi đó tên mã của Sandy Bridge là Intel Core i7-2820QM.
Card đồ họa
Với hàng loạt dãy số và ký hiệu, sẽ rất khó để người dùng nắm bắt được dòng card đồ họa nào mạnh hơn trong các mẫu máy. Thông thường chỉ dựa vào bộ nhớ VRAM là không đủ, một số nơi còn ghi cả bộ nhớ chia sẻ từ RAM để tăng giá trị sản phẩm và khiến người dùng mất định hướng chính xác.
Để tiện trong việc so sánh hiệu năng các dòng card đồ họa, người sử dụng có thể truy cập vào bảng đánh giá thực tế của Notebookcheck tại đây.
Một số ví dụ từ thực tế trên thị trường hiện nay, các dòng card phổ biến được trang bị trên một số model như Dell Inspiron N5110 sử dụng card Nvidia GT525M (xếp hạng 158 theo Notebookcheck), card GT630 (xếp hạng 134) trên các model như Dell Inspiron 5420 (khoảng 18 triệu đồng), Asus K43SM, K45VM, K55VM (khoảng 19,8 triệu đồng). Với dòng card của AMD là ATI HD7450 (xếp hạng 232) sử dụng trong Dell Vostro 1450, N4050, N4110 (khoảng 14 triệu đồng) hay HP với các dòng 431, 450 và 1000 (khoảng 12,4 triệu đồng). Riêng card HD7610 (xếp hạng 160) được Toshiba sử dụng trong C840-1012X (khoảng 10,9 triệu) hay chip HD7670M (xếp hạng 127) được sử dụng trong L840-1031X/1032X và M840-1016X (khoảng 15 triệu).
Ổ cứng
Ổ cứng tốc độ cao truy xuất dữ liệu nhanh hơn.
Thông thường khi xem ổ cứng, chỉ dung lượng được đưa lên hàng đầu. Tuy nhiên, còn các thông số khác quan trọng không kém như tốc độ quay của thiết bị. Hiện cho laptop thường có hai loại là 5.400 vòng một phút và 7.200 vòng một phút. Thông thường loại chậm hơn có dung lượng lớn hơn loại kia tới gần 200 GB nhưng giá vẫn chỉ tương đương. Xét về mặt tốc độ, ổ 5.400 chỉ chậm hơn 7.200 khoảng hơn 30% nhưng khi mở nhiều ứng dụng tốc độ sẽ dễ cảm nhận được sự chênh lệch.
Các mẫu laptop giá rẻ hiện nay trong khoảng dưới 12 triệu đồng hầu hết đều trang bị ổ cứng dung lượng lên tới 640 GB nhưng tốc độ chỉ dừng ở mức 5.400 vòng một phút. Chính vì vậy, tùy vào nhu cầu sử dụng, người dùng nên cân nhắc giữa dung lượng và tốc độ ổ cứng.
Tuy nhiên, ở dòng phổ thông, hầu hết các laptop đều sử dụng tốc độ 5.400 vòng/phút nên một số loại tích hợp thêm công nghệ chống sốc như trên laptop Toshiba, HP (giảm thiểu rủi ro hỏng hóc khi va đập, chấn động mạnh). Đây cũng là công nghệ nhiều hãng sử dụng nhưng vẫn hay bị “khuyết” ở các dòng giá rẻ.
Ngoài hai loại có tốc độ như trên, thị trường còn một số loại khác như SSD (ổ cứng thể rắn) có tốc độ đọc/ghi gấp nhiều lần so với HDD thường hoặc loại ổ lai (kết hợp giữa SSD và HDD) nhưng đều được ghi khá rõ ràng trên máy.
Bộ nhớ RAM
Nhiều khe cắm RAM sẽ giúp tiết kiệm chi phí nâng cấp sau này.
Hầu hết các loại RAM gắn theo laptop trên thị trường hiện tại đều đã là DDR3, chỉ còn một số rất ít các mẫu giá rẻ hoăc máy cũ là DDR2. Trên thị trường Việt Nam phổ biến có hai loại RAM DDR2 là tốc độ xung nhịp 1066 (xung nhịp thực 533 MHz) và 1333 (xung nhịp thực 666 MHz). Thông thường các trang thông tin sản phẩm chỉ ghi dung lượng bộ nhớ RAM và loại DDR3 hoặc DDR2 nên người dùng cần tìm hiểu kỹ để biết rõ lý do một vài model đắt hơn dù cùng cấu hình.
Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng không nhỏ là số khe RAM được trang bị phía trong máy. Cùng bộ nhớ RAM nhưng bo mạch chỉ hỗ trợ một khe cắm đôi khi cũng rẻ hơn được tới 500.000 đồng so với loại có nhiều khe cắm hơn. RAM là chi tiết dễ nâng cấp nhất trong các phần cứng của laptop giúp máy chạy nhanh hơn nếu trong trường hợp chỉ có một khe cắm, người dùng phải bán loại cũ với giá rẻ và phải mua loại mới với dung lượng lớn hơn. Trong khi các máy có hai hoặc nhiều hơn khe cắm, người dùng chỉ cần mua thêm để lắp và đỡ tốn chi phí hơn khá nhiều.
Các mẫu laptop tầm trung trên thị trường như Toshiba C, M Series, HP G Series hầu hết đều sở hữu hai khe cắm RAM trở lên trong khi một vài dòng giá rẻ trên thị trường như Lenovo B Series (một số model), Asus X44 lại chỉ có một khe nên rẻ hơn.
Các công nghệ, trang bị khác
Hầu hết các hãng máy tính đều tích hợp vào sản phẩm của mình những công nghệ riêng để tạo sự khác biệt. Tuy nhiên, nói chung các công nghệ như giúp máy hoạt động mát mẻ hơn, tiết kiệm pin hơn, khởi động nhanh hơn đều là những tiến bộ về mặt sản xuất của “đời máy” qua các năm thay vì là một tùy chọn nâng cấp.
Trong khi đó, một số tính năng được thêm vào như khe nhận dạng vân tay, webcam chuẩn HD, pin dung lượng lớn hơn 6 cell thông thường, màn hình độ phân giải cao hơn cũng sẽ khiến máy đắt hơn nhưng dễ dàng nhận biết. Ví dụ như Hi-Speed Start tăng tốc độ khởi động, chuyển đổi nội dung từ 2D sang 3D, tăng độ nét video Resolution+ của Toshiba, HP QuickWeb giúp lướt web nhanh.