Tuesday 11 December 2012

Lịch sự trên đường phố

Khi đi lại trên đường phố, cũng cần lưu ý một số điều để tránh gây khó chịu cho người khác.

Không ăn mặc quá đơn sơ khi đi ra đường. Dù bạn không trực tiếp giao tiếp với ai, cũng có rất nhiều người nhìn thấy bạn. Khi đi nên giữ tư thế đều bước, dù nhanh hay chậm, tránh kiểu chạy nhảy tung tăng như trẻ con hoặc vung tay quá mạnh. Nếu là đường có vỉa hè dành cho người đi bộ, đừng bao giờ đi xuống lòng đường. Nếu có dắt theo trẻ con phải luôn luôn nắm tay trẻ. Lỡ có va chạm cùng người khác, nhất thiết phải nói lời xin lỗi. Nếu đi cả nhóm đông người, không được đi thành hàng ngang để dễ chuyện trò. Đường phố không phải chỉ dành riêng cho mình, nên đi thành hàng dọc, kẻ trước người sau. Không cười đùa lớn tiếng khi đi trên đường phố.

Không bày tỏ tình cảm riêng tư trên đường phố. Chẳng hạn khi gặp lại bạn cũ lâu ngày, phải biết kiềm chế phần nào sự vui mừng nếu như đang đứng giữa phố đông người. Nên tìm một nơi khác, như quán nước, để bày tỏ sự vui mừng sẽ thích hợp hơn. Nhất là không ôm hôn nhau trên đường phố. Mặc dù nhiều người quen với văn hoá phương Tây sẽ không cho điều này là khó chịu, nhưng vẫn còn rất nhiều người ảnh hưởng phong tục Á Đông và không chấp nhận điều đó.

Người thực sự nghiêm túc cũng không hút thuốc khi đi trên đường phố. Nếu có nhu cầu cần khạc nhổ phải tìm chỗ kín đáo, thích hợp, không được tuỳ tiện nhổ xuống lòng đường. Cũng không ném, xả rác trên đường phố.

Khi gặp một vấn đề nào đó khác thường xảy ra trên đường phố, chẳng hạn một đám đánh nhau, cãi nhau, hoặc tai nạn... cần tránh đến xem chỉ vì tò mò. Nên nhìn qua với ý tưởng là liệu mình có thực sự giúp đỡ được gì hay không. Nếu được, nên sẵn lòng, chẳng hạn như đưa người bị nạn đi cấp cứu... Nếu xác định là không, nên tránh đi ngay. Những người chỉ đứng xem thường gây thêm khó khăn cho người có trách nhiệm mà không có ích gì.

Khi gặp người quen trên đường phố, việc chào hỏi là tất yếu, nhưng tránh việc đứng nói chuyện lâu trên đường. Nhất là khi người quen của bạn có đi cùng người khác, càng nên hạn chế tối đa thời gian nói chuyện. Điều này nhằm tránh gây khó chịu cho người mà bạn không quen, vì phải chờ đợi.

Nếu là đi xe gắn máy hoặc xe hơi trên đường, nên hạn chế việc bóp kèn những lúc không cần thiết. Không nên khạc nhổ hoặc ném giấy gói thức ăn, bao ny-lon, tàn thuốc lá... xuống đường. Trên xe hơi hoặc xe buýt có nhiều người thì không nên hút thuốc. Khi đi xe buýt cần lên xuống theo trật tự, không chen lấn. Tuy nhiên, nếu có thể nên ưu tiên nhường các chỗ ngồi tốt cho người già, trẻ em hoặc phụ nữ có con nhỏ. Không xả rác trên xe.

° ° °

Những điều nói trên cũng chỉ là những phép lịch sự tối thiểu được sự chấp nhận của nhiều người. Một người muốn sống đẹp, ngoài việc nắm hiểu những phép tắc có tính quy ước như trên, còn cần phải biết vận dụng những nguyên tắc chung vào các tình huống ứng xử cụ thể của mình. Những nguyên tắc cơ bản nhất trong giao tiếp là: tôn trọng người khác, chân thành biết ơn đối với những sự giúp đỡ và sẵn sàng nhận lỗi khi có sai sót, biết quan tâm đến việc dành quyền ưu tiên cho các đối tượng đặc biệt như người già, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ, nhất là phụ nữ có thai hoặc có con nhỏ. Ngoài ra, đừng bao giờ tự đề cao mình trước những người khác, nhưng ngược lại sẵn sàng khen ngợi những điều mà người khác làm tốt hơn mình. Nếu buộc phải đưa ra những lời chỉ trích hoặc phê phán thì cần phải hết sức hạn chế và cân nhắc thận trọng.

Lịch sự nơi công cộng

Khi đến những nơi công cộng, cũng có những phép lịch sự tối thiểu cần biết. 

Những nơi phục vụ đông người và theo thứ tự phải xếp hàng, đừng bao giờ vì quá nôn nóng mà vượt qua mặt những người đến trước mình. Khi đến lượt mình được tiếp, nên tranh thủ thời gian tối đa để tỏ rõ sự tôn trọng thời gian của người khác, nhất là những người đang còn phải chờ đợi sau mình.

Tuy không nên qua mặt người khác, nhưng rất nên nhường quyền ưu tiên cho những người đến sau mình khi đó là người già, trẻ em, người bệnh hoặc phụ nữ có thai, có con nhỏ... Nam giới khi có thể được cũng nên nhường cho nữ giới. 

Nếu có ai đó chưa học qua phép ứng xử nên cố tình qua mặt bạn, dù họ là người đến sau, cũng đừng nên có thái độ nóng giận thái quá. Có thể từ tốn giải thích cho người ấy biết sự sai trái đó. Nếu gặp người thô lỗ, khiếm nhã... nhất thiết không nghe thì bạn nên... nhường nhịn là tốt nhất. Suy cho cùng, hạng người như thế không nhiều lắm, và không đáng để bạn tranh chấp với họ. Sự nhường nhịn của bạn chắc chắn sẽ được những người khác đánh giá cao.

Khi đến những nơi tôn nghiêm như đền thờ, nhà thờ, chùa chiền... cần có thái độ ứng xử thích đáng.

Phải ăn mặc nghiêm túc, kín đáo, cho dù bạn không phải là người đến đó để chiêm ngưỡng. Nhiều người ăn mặc lôi thôi lếch thếch hoặc quá hở hang khi đến những nơi tôn nghiêm này, điều đó gây ra sự khó chịu và tỏ ra rằng họ không biết tôn trọng những người khác.

Khi đến những nơi tôn nghiêm, dù không phải mục đích tín ngưỡng mà chỉ là viếng cảnh, cũng phải giữ thái độ nghiêm trang thích hợp. Không cười đùa lớn tiếng. Không mang thức ăn đến đó để ăn uống, dù là một mình hay tập thể.

Khi vào điện thờ, phải tỏ thái độ tôn kính, cho dù đó không phải là tín ngưỡng của mình. Không mang giày dép vào, không gây tiếng động mạnh, không đội nón, mũ và không hút thuốc. Không quan sát những người khác lễ bái một cách quá lộ liễu. Nếu chỉ muốn vào xem cho biết thì tránh đi vào trong khi người ta đang hành lễ. Nếu đã vào thì phải chờ hết cuộc lễ, không nên bỏ ra giữa chừng. Không cần phải hành lễ giống như các tín đồ, nhưng không nên tỏ những thái độ để người khác biết mình không phải là người thuộc tín ngưỡng đó.

Khi đến những nơi công cộng khác, nói chung đều phải giữ thái độ tôn trọng mọi người. Chẳng hạn như khi xem phim hoặc nghe nhạc, tránh đừng làm phiền những người chung quanh vì những chuyện riêng tư của mình. Nếu bạn đang bị ho hoặc cảm lạnh, thường nhảy mũi... tốt nhất là tránh đừng đến những nơi đông người. Khi đi mua sắm cũng phải có thái độ tôn trọng người bán hàng. Mặc dù người ấy sẵn sàng phục vụ bạn vì nghề nghiệp, nhưng một thái độ lịch sự bao giờ cũng là thái độ biết ơn khi được phục vụ. Nếu xác định mình không mua hàng mà chỉ xem qua cho biết, cần nói rõ ngay cho người bán hàng biết điều đó và tránh làm phiền quá nhiều. Nếu hàng hoá được niêm yết giá bán, cần hỏi thẳng người bán hàng xem họ có chấp nhận việc trả giá hay không, trước khi mặc cả. Bởi vì thực tế hiện nay có nhiều nơi niêm yết giá nhưng không bán giá cố định mà chấp nhận thoả thuận với khách. Nếu những nơi chỉ bán đúng giá niêm yết, việc trả giá sẽ trở thành khiếm nhã. Tuy vậy, việc hỏi thẳng người bán hàng trước khi trả giá là không có gì đáng ngại. Nếu mua hàng ở siêu thị, nghĩa là tự chọn lấy hàng hoá, cần xếp những món không mua trở lại đúng chỗ cũ.

Khi ở những nơi đông người, nói chung tránh những cử chỉ có tính cách “thoải mái” quá đáng. Chẳng hạn, không nên đứng chống tay vào cạnh sườn khi nói chuyện, cũng không nên thọc tay vào túi quần. Khi nói chuyện tránh việc khoa tay lắc chân, cũng không chỉ trỏ chỗ này chỗ khác. Nhiều người khác có thể lầm tưởng là bạn chỉ vào họ. Tránh đừng bao giờ nhìn thẳng vào mặt một người không quen biết. Và điều thông thường nhất nhưng có khá nhiều người không giữ được là: đừng bao giờ hút thuốc ở nơi đông người.

Nụ cười tươi vẫn là một “phụ tùng” giá trị mà bạn nên luôn luôn mang theo, nhưng đừng bao giờ cười lớn tiếng ở nơi đông người, ngay cả như trong quán ăn cũng vậy. Bạn cần phải biết tôn trọng khoảng không gian chung cho tất cả mọi người, bởi vì không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa tiếng cười của bạn.

Nếu cơ thể bạn đang có những vấn đề bất thường, không được khoẻ, nên tránh đến những nơi đông người. Nếu bắt buộc phải đến, nên chú ý hạn chế việc bộc lộ cho mọi người thấy. Những lúc ho nhiều, nhảy mũi, ợ hơi, ngáp... nên vào nhà vệ sinh hoặc tìm chỗ kín. Nếu không kìm được ngay thì quay sang một chỗ khuất ít người thấy và nhớ dùng tay hoặc khăn tay che miệng lại. Điều này cũng áp dụng khi bạn đang đi trên đường phố nữa.

Lịch sự trong việc thăm viếng

Khi tiếp khách ở nhà hoặc đến chơi nhà ai, cũng cần biết một vài điều cơ bản trong phép lịch sự thông thường.

Trước hết, nên hạn chế tối đa việc đến chơi nhà bạn bè mà không báo trước. Nếu là dịp thuận tiện bất ngờ, cũng nên cân nhắc xem giờ giấc có thuận tiện hay không. Ngay cả khi hẹn trước, cũng nên chú ý chọn ngày giờ cho thích hợp. Đây là điều rất tế nhị thường không thể hỏi chủ nhà, vì theo phép lịch sự người ấy bao giờ cũng nói “lúc nào cũng được” để tỏ lòng hiếu khách, trừ ra là vào lúc mà họ có dự tính sẽ vắng nhà. Ngày giờ đến chơi thuận tiện là vào các ngày nghỉ việc trong tuần – cũng tuỳ theo công việc của người bạn mà chúng ta định đến thăm. Tuy nhiên, dù là ngày nghỉ, cũng nên tránh đừng đến vào các giờ nghỉ ngơi và giờ cơm trong ngày.

Nếu là chủ nhà, khi được hỏi ý trước về ngày giờ thuận tiện để bạn mình đến thăm, đừng ngại việc trao đổi một ngày giờ thuận tiện để tiếp bạn. Điều này có lợi cho cả hai bên và làm cho cuộc thăm viếng được thêm phần tốt đẹp. Nếu bạn không chọn lựa, có thể sẽ phải tiếp bạn vào một ngày có nhiều công việc nhà bận rộn, và người đến chơi cũng sẽ không có cảm giác thoải mái, vui vẻ. Nếu hai bên đã xác định ngày giờ hoặc một bên đã chính thức thông báo với bên kia và không bị từ chối, người đến thăm cần ghi nhớ và đến đúng giờ. Không nên đến quá sớm. Nên đến đúng giờ hoặc muộn hơn chừng 5 phút là được. Việc đến sớm quá đôi khi làm chủ nhà lúng túng vì có thể chưa thu xếp xong một công việc nào đó theo dự tính, hoặc chưa chuẩn bị xong việc tiếp đón.

Khi có nhiều người cùng đến thăm chơi nhưng là những người không quen biết nhau, chủ nhà phải chủ động giới thiệu từng người để mọi người được biết nhau. Trình tự giới thiệu thông thường là giới thiệu nam giới trước, phụ nữ sau, người nhỏ trước, người lớn sau... Những người được giới thiệu nên chào hỏi và nói với nhau một vài câu xã giao. Tuy nhiên, nên chọn những đề tài chung chung để trao đổi, tránh hỏi về đời tư, nhất là không được hỏi về tuổi của phụ nữ. Trong trường hợp này, chủ nhà thường phải là người chủ động định hướng cho câu chuyện, sao cho không có ai cảm thấy quá xa lạ. 

Việc tiếp đón như thế nào là tuỳ nơi mức độ thân mật giữa chủ nhà và khách, cũng như tuỳ theo điều kiện gia đình. Tuy nhiên, về vấn đề thời gian thì cả hai bên đều nên lưu ý.

Khi đến thăm nhà ai, nên xác định trước thời gian dành cho cuộc thăm viếng, chẳng hạn 20 phút, nửa giờ hay một giờ, hoặc trọn buổi... Sau các thủ tục chào hỏi giữa chủ khách, có thể khéo léo cho chủ nhà biết một cách tế nhị ¬– nhưng tốt nhất là đừng nói ra trực tiếp. Chẳng hạn, bạn có thể làm như vô tình nói đến một cuộc họp mà mình phải có mặt vào lúc nào đó, hoặc một cái hẹn với ai, hay một công việc cần làm... Mục đích là để chủ nhà có thể hiểu được thời gian sẽ tiếp mình tối đa là bao lâu, tránh cho họ có những sắp xếp không thích hợp, chẳng hạn như cơm nước hay chiêu đãi món gì...

Chủ nhà ngược lại không nên nói ra điều gì có hàm ý là mình đang bận hay sắp phải làm công việc gì, trừ trường hợp đó là việc rất quan trọng không thể nào hoãn lại được.

Nếu là cuộc thăm viếng chỉ thuần tuý nhằm mục đích trao đổi công việc, nên sớm trực tiếp vào đề ngay, đừng để chủ nhà phải mất quá nhiều thời gian.

Nói chung, dù chủ nhà có nhiệt tình đến đâu, khách đến thăm cũng không nên kéo dài thời gian quá lâu, nhất là khi thấy chủ nhà liếc nhìn đồng hồ. Thông thường thì đây là điều không nên làm khi tiếp khách, nhưng cũng là cách hữu hiệu nhất buộc phải áp dụng nếu như chủ nhà không muốn trực tiếp nói ra là mình đang bận.

Khách phải là người chủ động từ biệt vào lúc thích hợp. Nếu chủ nhà tiếp mình cả hai vợ chồng, không nên chia tay vào lúc người vợ hoặc người chồng có việc phải tạm đi đâu đó. Phải chờ có đủ hai người rồi mới cáo từ, trừ trường hợp biết chắc là người kia sẽ không ra phòng khách nữa thì có thể gửi lời chào.

Chủ nhà phải tiễn khách ít nhất là ra khỏi cửa. Nếu là khách rất thân có thể đưa ra đến tận cổng ngoài, chờ cho khách lên xe rồi mới quay vào. Khách có thể chủ động đề nghị chủ nhà không phải tiễn nếu tự biết quan hệ giữa hai bên không phải là quá thân mật, nhưng nếu thật sự thân nhau thì không nên từ chối việc chủ nhà tiễn chân.

Sử dụng điện thoại

Sử dụng điện thoại là một nhu cầu tất yếu và phổ biến rộng rãi trong thời đại ngày nay. Khi sử dụng điện thoại, đôi khi cũng có thể gây khó chịu cho người ở đầu dây bên kia nếu như chúng ta không lưu ý một số vấn đề.

Khi bạn là người gọi, phải chủ động giới thiệu mình ngay khi người bên kia nhấc ống nghe. Nếu là bạn bè thân quen thì chào hỏi đôi ba câu, thường là hỏi thăm sức khoẻ, trước khi đi vào chuyện muốn nói. Nhưng nếu là người chỉ có quan hệ công việc thì nên vào đề ngắn gọn rõ ràng ngay, tránh những lời vòng vo không cần thiết. Nếu là số điện thoại được dùng đến lần đầu tiên thì trước hết nên hỏi để xác định có đúng là nơi mình cần gọi hay không. 

Nếu là người nhận điện thoại của một cơ quan, đơn vị, khi nhấc ống nghe phải xưng tên cơ quan, đơn vị của mình. Nếu là nhà riêng chỉ cần dùng từ thông dụng “a-lô” là được, hoặc có thể nói: “A-lô, xin nghe đây.” Không cần thiết phải tự xưng “tôi”, vì nếu đầu dây bên kia là một người lớn hơn mình thì không hợp. Sau đó, nếu người gọi đến không tự giới thiệu, có thể hỏi xem người gọi là ai và cần gặp ai. Điều này là cần thiết để việc trao đổi tiếp theo được thích hợp. 

Nói chuyện qua điện thoại cần ngắn gọn, rõ ràng. Không nói quá lớn hoặc quá nhỏ. Trước khi gác máy cần báo trước hoặc xác định lại xem người ở đầu dây bên kia có cần nói thêm gì hay không.

Trừ trường hợp cấp bách hoặc có hẹn trước, đừng bao giờ gọi điện đến nhà riêng vào các giờ nghỉ ngơi, giờ cơm. Gọi đến các cơ quan, đơn vị thì tránh gọi vào lúc gần hết giờ làm việc.

Lịch sự khi chào hỏi

Khi gặp gỡ, chào hỏi nhau hàng ngày cũng có một số điểm cần biết. Người thân quen thường chỉ cần cười với nhau hoặc gật đầu chào là đủ. Tuy nhiên, nếu đã lâu quá không gặp, nên dành năm ba phút dừng lại để hỏi han về sức khoẻ, gia đình... Nếu là các mối quan hệ có tính chất trang trọng, nên dừng hẳn lại khi chào hỏi, tránh vừa đi vừa chào. Chào người khác bằng cách hất hàm lên là một thái độ khiếm nhã, ngay cả với những người nhỏ hơn hay thuộc cấp của mình. Không dùng cách đưa tay lên chào với người lớn hơn mình. Nếu người ấy chủ động đưa tay chào khi nhìn thấy mình từ xa, cũng chỉ nên cười và cúi đầu để đáp lại. Nói chung, mọi cách thức chào hỏi đều nên kèm theo một nụ cười tươi. Một khuôn mặt nhăn nhó hoặc lạnh lùng không bao giờ mang lại thiện cảm.

Việc bắt tay nhau khi chào hỏi ngày nay cũng đã trở thành khá quen thuộc, nên cũng có thể dùng mà không bị xem là xa lạ lắm. Tuy nhiên, chỉ dừng lại chào hỏi và bắt tay khi biết là mình có thể dành thêm đôi ba phút để trao đổi, thăm hỏi nhau. Nếu chỉ chào hỏi, bắt tay rồi đi ngay thường là không thích hợp lắm.

Khi bắt tay cũng có một vài phép tắc chung. Chỉ bắt tay bằng tay phải, không dùng tay trái. Người lớn tuổi hoặc có vai vế lớn hơn sẽ chủ động đưa tay ra trước. Người nhỏ hơn đáp lại bằng cả hai tay và khi bắt tay thì người hơi cúi xuống. Tránh không nắm, siết quá chặt. Nếu là bạn bè ngang nhau thì người nào nhìn thấy trước sẽ là người đưa tay ra trước. Nếu đợi người kia đưa tay ra mới đáp lại thì tỏ ra mình kém nhiệt tình. Trong trường hợp này có thể siết chặt tay hoặc lắc tay để tỏ sự thân mật. Nếu một trong hai người là phụ nữ, người ấy sẽ phải đưa tay ra trước. Nam giới bắt tay phụ nữ thì không được siết chặt hoặc lắc quá mạnh. Nếu là chủ khách chào nhau khi đến thăm nhà, thì chủ nhà phải là người đưa tay ra trước. Khi người khác đưa tay cho mình bắt, nếu đang ngồi phải đứng dậy rồi mới bắt tay.

Khi chào hỏi cùng lúc nhiều người, việc bắt tay cũng phải theo trình tự thích hợp. Nguyên tắc chung là bắt tay người lớn trước, người nhỏ sau; phụ nữ trước, nam giới sau; người vợ trước, người chồng sau...

Khi chủ động bắt tay ai cũng cần lưu ý một số điểm. Không cùng lúc dùng hai tay để bắt tay với hai người. Không đứng ở một vị trí cao hơn, chẳng hạn như trên thềm nhà, đưa tay xuống cho người khác bắt. Phải bước xuống vị trí ngang bằng với người ấy trước khi đưa tay ra bắt. Không ngậm thuốc lá trong miệng khi bắt tay, dùng tay trái lấy điếu thuốc xuống rồi mới bắt tay. Không mang găng tay khi bắt tay, trừ ra phụ nữ mang loại găng mỏng thì không sao. Khi bắt tay với một người, không cùng lúc đưa mắt nhìn người khác. Khi bắt tay chào đón khách, không bắt tay ngay nơi ngưỡng cửa ra vào. Có thể bước ra ngoài cửa hoặc đợi cho khách bước hẳn vào trong nhà. Trong đám đông, không bắt tay một người ngay sát trước mặt một người khác.

Cách bắt tay cũng được dùng khi chia tay nhau với cùng những nguyên tắc như trên. Trừ ra khi khách đến chơi nhà về thì khách đưa tay ra trước khi chào về, thay vì là chủ nhà đưa tay ra trước như khi đến. Điều này để tránh tạo ra ấn tượng là chủ nhà nôn nóng muốn tiễn khách.

Lịch sự trong ăn uống

Trong sinh hoạt hàng ngày, việc ăn uống chiếm một vai trò quan trọng. Trong giao tế, ăn uống cũng là dịp để người ta làm quen và thậm chí đánh giá lẫn nhau. Vì thế, trong việc ăn uống cần biết giữ một số những phép lịch sự tối thiểu.

Ăn uống phải từ tốn, chừng mực là nguyên tắc đầu tiên. Dù có vội vàng đến đâu cũng phải dành thời gian nhất định cho bữa ăn, nên không được lộ ra vẻ hối hả trong khi ăn. Ngay cả khi bạn ăn một mình cũng vậy. Bởi vì điều đó có hại cho sức khoẻ chứ không riêng gì trong phạm vi phép lịch sự. Mặt khác, nếu bạn phải dùng cơm chung với một người tỏ ra hối hả, vội vàng, bạn không thể tự mình cảm thấy thoải mái được. Vì thế, bản thân chúng ta không nên gây khó chịu cho người khác bằng sự hối hả của mình.

Đến bữa ăn, người nhỏ hơn không được ngồi vào bàn trước người lớn tuổi hoặc có vai vế lớn hơn mình. Khách mời không nên ngồi vào bàn trước chủ nhà. Điều đó nhằm bày tỏ sự tôn trọng và cũng là để cho thấy mình không vội vã trong việc ăn uống.

Nếu là ăn cơm được mời tại nhà hàng, người mời khách thường đề nghị người được mời chọn món ăn. Khách được mời nên nhường lại cho người mời làm việc ấy. Người mời khách sẽ chọn một vài món rồi lại đề nghị khách tiếp tục chọn cho đủ. Trong trường hợp này, người được mời cũng không nên cố từ chối, nhưng nên lưu ý chọn những món có giá tương đương như những món mà người mời khách đã chọn. Tất cả những trình tự này là nhằm để bày tỏ sự tôn trọng lẫn nhau của cả đôi bên chủ khách.

Trong khi ăn, nên giữ một thái độ thích hợp với từng tình huống khác nhau. Tuy nhiên, dù là ăn cơm trong gia đình thì cũng có những điều tối thiểu cần phải biết.

Thức ăn khi còn trong chén, không nên lấy thêm một món khác. Điều đó có nghĩa là, bạn phải ăn tuần tự từng món. Một chén cơm được “tích luỹ” cùng lúc vài ba món ăn không phải là một hình ảnh đẹp trong mắt người khác. Nếu là món lỏng như canh, súp... tránh đừng lấy quá đầy chén.

Việc dùng đũa ăn cơm là thói quen lâu đời của dân ta, nhưng không phải là thói quen chung của mọi dân tộc khác trên thế giới. Vì vậy cần chú ý vài đặc điểm khi ăn bằng đũa để tránh gây khó chịu cho những người nước ngoài lúc dùng cơm chung, và thậm chí ngay cả với một số người Việt cũng vậy.

Tuyệt đối không dùng đũa gắp vào các món ăn lỏng như canh, súp... Điều này tuy là khá quen thuộc ở các bữa cơm thân mật, nhưng quả thật có phần kém... văn hoá. Khi chúng ta ăn, đầu đũa được ngậm vào trong miệng. Nếu sau đó lại “rửa” vào trong bát canh hay bát súp thì thật khó ... hiểu. Một số tập thể hiện nay đã phát triển thói quen khi ăn chỉ dùng đũa để gắp thức ăn và mỗi người đều có một cái muỗng riêng để đưa thức ăn vào miệng. Có vẻ như còn khá xa lạ với nhiều người, nhưng quả là một cách ăn uống... hợp vệ sinh hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể đòi hỏi mọi người đều theo như ý mình. Chỉ có điều, dù có ăn bằng đũa như xưa nay thì cũng nhớ đừng “rửa đũa” vào chỗ “công cộng”.

Khi gắp thức ăn, nên “ngắm nghía” trước sẽ gắp miếng thức ăn nào, rồi mới đưa đũa đến gắp. Tránh việc dùng đũa “đào bới” trong đĩa thức ăn chung, rất khó coi. Ngoài ra, cũng cần quan sát trước, tránh cùng lúc lấy thức ăn ở một chỗ với người khác. Tuy vẫn chưa ... hết, nhưng trông... kỳ lắm.

Nhai thức ăn nên “kín miệng”, đừng phô bày “hàm răng đẹp” của mình ra cho người khác thấy. Ăn các món lỏng đừng tạo ra âm thanh khi húp. Thử tưởng tượng, nếu năm bảy người cùng ăn một mâm mà đều “sột soạt” như nhau thì âm thanh ấy khó nghe đến mức nào!

Trong khi ăn không nên nói chuyện quá nhiều, nhưng cũng đừng... cắm cúi ăn không để ý đến ai. Tốt nhất là trao đổi vài ba mẩu chuyện nhẹ nhàng, vui vẻ để tạo không khí cởi mở, và nhất là có “kẻ nói, người nghe”. Những câu chuyện dài chỉ một người nói, hoặc những đề tài sôi động quá đều không thích hợp trong bữa ăn chung.

Nếu là ăn cơm khách, lại càng phải thận trọng hơn. Có những thói quen không mấy khi được ta lưu ý đến khi dùng cơm trong gia đình, nhưng lại trở nên khó coi trong các bữa cơm khách nơi nhà người khác. Chẳng hạn, đừng ngồi theo kiểu “vắt chân chữ ngũ”, hoặc cũng đừng rung đùi đánh nhịp... Khi dùng cơm với người khác, nhất là người ngang hàng hoặc lớn hơn mình thì những thái độ này được xem là rất khiếm nhã.

“Tốc độ” cũng là một yếu tố rất tế nhị trong các bữa cơm khách. Chủ nhà dù ăn ít đến đâu cũng không nên buông đũa trước khách, vì thế mà phải chú ý “ăn cầm khách”. Khách được mời dù có “công suất lớn” đến đâu cũng nên tự biết giới hạn ở mức độ vừa phải, đừng làm cho “thẳng bụng”. Tuy nhiên, nếu ngược lại, khách tự biết mình ăn rất ít thì cũng nên tế nhị kéo dài thời gian một chút, đừng buông đũa quá sớm sẽ làm cho chủ nhà lúng túng. Ngay cả khi ăn xong, cũng tránh rời ngay khỏi bàn ăn khi chủ nhà hoặc những người khác vẫn còn đang “dở dang”. Người chủ nhà tế nhị khi thấy khách đã ăn xong thường sẽ chủ động mời ra bàn nước, hoặc sẽ nhanh chóng... rút ngắn phần còn lại của mình ngay.

Tuy nhiên, trong những bữa cơm khách mà quan hệ giữa chủ nhà với khách là rất thân tình, cũng nên biết cách “khẳng định” sự thân tình ấy. Chẳng hạn, tránh đừng để chủ nhà phải mời mọc quá nhiều. Cần tỏ rõ cho mọi người thấy là mình rất tự nhiên, vì điều đó sẽ làm vui lòng chủ nhà.

Nếu là mời cơm tại nhà hàng, người mời nên tránh đừng thanh toán tiền trước mặt khách mời. Có thể dặn trước người phục vụ để thanh toán sau, hoặc kín đáo thanh toán vào lúc thuận tiện. Khách được mời tránh đừng hỏi giá cả hoặc nhận hoá đơn thanh toán rồi đưa sang cho người mời.

Chủ nhà mời cơm khách cũng cần lưu ý vài ba điều tối thiểu. Nếu là nhà đông người quá, nên sắp xếp cho trẻ con ăn riêng, vì thường chúng ta không thể “khống chế” được chúng trong bữa ăn. Thức ăn mời khách nên tránh những món “khó ăn”, dù là món ngon. Khó ăn ở đây có nghĩa là những món mà người ăn hơi khó... xử lý, chẳng hạn như các thao tác gặm, xé... hay phải dùng tay khi ăn đều không thích hợp lắm. Trong khi ăn, nếu cần lấy thêm thức ăn, dùng bát hoặc đĩa khác để mang thức ăn đến cho thêm vào, tránh không lấy bát hoặc đĩa thức ăn trên bàn ăn mang đi.

Chuyện ăn uống nói ra hẳn còn nhiều lắm, nhưng trên đây chỉ là một vài điều tối thiểu mà có lẽ cũng chưa đến nỗi ... lỗi thời lắm.

Friday 7 December 2012

Chiến lược chống tham nhũng của Singapore


Singapore hiện là một trong năm quốc gia "trong sạch" nhất thế giới, nhờ hệ thống luật pháp chặt chẽ, lương công chức - chính trị gia hậu hĩnh và cơ quan chống tham nhũng có quyền lực rất cao.


Tổ chức minh bạch thế giới (Transparency International) vừa công bố Chỉ số tham nhũng 2012 (Corruption Perception Index). Theo đó, Singapore là quốc gia "trong sạch" thứ 5 trên tổng số 176 nước được khảo sát. Quốc đảo này được 87 điểm trên thang 100. 100 là mức hoàn toàn không có tham nhũng.
Singapore cũng từng có thời đau đầu vì vấn nạn này, kéo dài từ khi còn là thuộc địa của Anh đến hết thời kỳ cai trị của Nhật Bản năm 1945. Giáo sư John S.T. Quah, một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên về quản trị và tham nhũng ở châu Á cho biết có ba nguyên nhân gây ra tình trạng này. Đó là lương thấp, cơ hội cao (khi tham gia vào các vị trí trong chính quyền hoặc tổ chức các sự kiện lớn) và cảnh sát yếu (khả năng phát hiện và trừng phạt tham nhũng).
Sự trong sạch ngày nay tại Singapore có đóng góp rất lớn của hệ thống luật pháp chặt chẽ bậc nhất thế giới. Sang đường tùy tiện, xả rác, khạc nhổ bừa bãi cũng có thể khiến người ta vào tù. Nếu không xả nước toilet hay bỏ bã kẹo cao su vào thùng rác, bạn sẽ bị phạt tiền. Còn hành vi phá hoại của công chắc chắn bị phạt đòn.
Tương tự, luật chống tham nhũng của nước này cũng khắc nghiệt không kém. Cục điều tra các hành vi tham nhũng được làm việc trực tiếp với văn phòng Thủ tướng và có quyền lực rất lớn. Họ có thể bắt người và tiến hành điều tra không cần giấy phép, miễn là có "cơ sở hợp lý để cho rằng việc chờ lấy giấy phép có thể cản trở quá trình điều tra".
Những người bị kết tội tham nhũng có thể ngồi tù 5 năm và nộp phạt 100.000 đôla Singapore (80.000 USD). Theo AP, Thủ tướng Lý Hiển Long còn muốn bổ sung nhiều hình phạt khác để ngăn chặn tình trạng này. Sau một vụ tham nhũng hiếm hoi bị phát hiện trong năm nay, ông Lý Hiển Long cho biết: "Thà chịu xấu hổ để giữ hệ thống trong sạch, còn hơn là giả vờ như chẳng có gì sai và để khối ung nhọt này phát triển".
Tuy nhiên, pháp luật chỉ là một nửa chiến lược của Singapore. Đây là sự trừng phạt, chứ không phải phần thưởng. Vì vậy, nước này đã trả lương rất hậu hĩnh cho các chính trị gia và công chức nhà nước. Việc này vừa ngăn chặn nạn chảy máu chất xám, vừa diệt trừ được tham nhũng tận gốc.
Trong suốt thời kỳ Singapore là thuộc địa của Anh cho đến những năm đầu độc lập, quốc đảo này không giàu có như ngày nay. Phải đến thập niên 80, Thủ tướng thời đó là Lý Quang Diệu mới quyết định nâng lương cho nhóm người trên. Quah cho biết: "Ông Lý tin rằng cách tốt nhất để giải quyết tham nhũng là song hành cùng thị trường. Đó là phải tạo ra một hệ thống trung thực, cởi mở, có thể chống đỡ được và khả thi".
Giáo sư Quah cho rằng có 4 bài học các nước châu Á có thể tham khảo từ Singapore. Đó là chính trị phải là chìa khóa thành công, cơ quan chống tham nhũng phải độc lập với cảnh sát và bộ máy cầm quyền, bản thân cơ quan này phải trong sạch và giảm tối đa tham nhũng bằng việc giải quyết các vấn đề: lương thấp, có cơ hội nhận đút lót và khả năng điều tra hạn chế.
Trong bốn yếu tố trên, Quah cho rằng chính trị là quan trọng nhất. Ông nói: "Những người có khả năng lớn nhất thay đổi văn hóa tham nhũng là chính trị gia. Đó là vì họ tạo ra luật pháp và phân phối nguồn tài chính để thực thi luật pháp".
Thùy Linh (theo Business Insider)

Tuesday 20 November 2012

Những ngành nhiều tham nhũng nhất


Bốn ngành được cho là tham nhũng phổ biến gồm cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng, theo kết quả khảo sát xã hội học do Thanh tra Chính phủ chủ trì.

Khảo sát được tiến hành tại 10 tỉnh/thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Sơn La, Hải Dương, Đồng Tháp, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ. 
Tổng cộng có 2.601 người dân, 1.058 DN và 1.801 CBCC (trong đó 95% thuộc các cấp chính quyền địa phương, 5% là CBCC của các bộ, ngành) được khảo sát.
Cuộc khảo sát được tiến hành dựa trên các nguyên tắc căn bản gồm:  tập trung vào các đối tượng có nhiều trải nghiệm nhất trong giao dịch với các cơ quan công quyền; tôn trọng tối đa tính ngẫu nhiên trong quá trình chọn mẫu; tất cả các buổi khảo sát đều là phỏng vấn, đối thoại trực tiếp với cá nhân đối tượng trả lời; theo dõi và giám sát chặt chẽ tất cả các bước của quá trình khảo sát để đảm bảo chất lượng.
Những ngành nhiều tham nhũng nhất
Ngành tham nhũng nhất theo quan điểm của CBCC, doanh nghiệp và người dân (tỷ lệ phần trăm số ý kiến chọn là 1 trong 3 ngành tham nhũng nhất) - Nguồn: Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học
Bốn ngành được cho rằng tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng. Bốn ngành, lĩnh vực được cho là ít tham nhũng nhất là bưu điện, báo chí, kho bạc và cảnh sát khu vực.
Đây là những thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo hôm qua (20.11) công bố Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức” do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo (BCĐ) T.Ư về phòng chống tham nhũng và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện.
Ba nhóm đối tượng tham gia cuộc khảo sát gồm người dân đại diện cho các hộ gia đình, doanh nghiệp có đăng ký chính thức và cán bộ công chức (CBCC), bao gồm các cán bộ làm việc trong HĐND các cấp ở địa phương và viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công. Tham gia cuộc khảo sát còn có CBCC của 5 bộ gồm: Giao thông vận tải, Xây dựng, Công thương, Tài chính và Tài nguyên - Môi trường.
Khảo sát được triển khai tại 10 tỉnh/thành phố được lựa chọn là các thành phố lớn và các vùng đô thị nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là nơi được cho là có nguy cơ tham nhũng cao hơn. Mặc dù kết quả khảo sát không đại diện cho tổng thể dân số VN, nhưng cũng có ý nghĩa rất lớn bởi 10 tỉnh/thành trong mẫu chiếm 30% dân số cả nước và đóng góp trên 65% GDP của VN.
Theo nhóm tác giả, khảo sát chú trọng đến tham nhũng mà nhiều doanh nghiệp (DN) và người dân trải nghiệm nhưng không nhất thiết là những dạng tham nhũng nghiêm trọng nhất. Thí dụ thu hồi đất đai, quản lý sai hoặc tham ô tài sản nhà nước có thể rất tai hại kể cả khi ít được nêu bật trong khảo sát. Cũng theo nhóm tác giả, các ngành nêu trên có sự cọ xát nhiều nhất với xã hội, do đó những dạng tham nhũng này sẽ gây sự bất bình lớn trong công chúng nếu không được xử lý thích hợp.
Tham nhũng làm doanh nghiệp yếu đi
Theo khảo sát, 23% số DN cho rằng họ đã gặp phải một trong các dạng yêu cầu từ phía công chức trong vòng 12 tháng qua. Khoảng 5% DN nhận được đề nghị bán tài  sản với giá rẻ hoặc cho cá nhân công chức thuê tài sản, máy móc, thiết bị. Tỷ lệ các DN nhận được đề nghị chi trả cho các khoản phí nghiên cứu, tham quan hoặc chi tiêu cá nhân cũng ở mức tương tự (5,4%). Khoảng 8% số DN nhận được đề nghị tuyển dụng họ hàng hoặc người thân của CBCC. Có tới 15,3% số DN đã trải qua tình huống trong đó CBCC lợi dụng quyền lực, tên tuổi hoặc uy tín đơn vị họ để gợi ý DN trả tiền hoặc tặng quà.
Khi được hỏi về những khó khăn mà các cơ quan nhà nước hay gây ra, có 50% số DN đã khẳng định, nửa còn lại cho biết không gặp khó khăn nào hoặc không nhớ. Trong số các DN trả lời, 63% cho rằng công chức cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc, 58% cho biết công chức không hướng dẫn cụ thể thủ tục nhưng cố tình soi xét, bắt lỗi để từ chối giải quyết và 28% cho rằng công chức bám vào các quy định không chặt chẽ, không rõ ràng để bắt bí DN.
Để xử lý các khó khăn này, 78% DN chọn cách tiếp tục chờ đợi, 86% DN sẽ đưa ra các lý lẽ thuyết phục để cơ quan quản lý giải quyết. Đáng chú ý có khoảng 51% DN nhờ người có ảnh hưởng tác động để giải quyết và 59% DN chọn cách đưa quà hoặc tiền cho cán bộ có thẩm quyền giải quyết. Chỉ có 13% DN tìm đến các cơ quan bảo vệ pháp luật và chưa tới 6% đề nghị cơ quan báo chí can thiệp.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, ít nhất 10% DN đã khẳng định bị gây khó khăn khi sử dụng các dịch vụ công do các cơ quan nhà nước cung cấp. Hải quan, CSGT và cơ quan thuế đều bị ít nhất 30% số DN điểm danh là các cơ quan gây khó khăn. Ba cơ quan hay gây khó khăn nhất được nêu ra gồm có cơ quan thuế (58%),  các cơ quan quản lý chuyên ngành (23%), CSGT (21%) và tài nguyên môi trường (20%).
Không tin vào hiệu quả phát hiện tham nhũngKhông tin vào hiệu quả phát hiện tham nhũng

Các vấn đề bức xúc nhất đối với Việt Nam, theo quan điểm của CBCC, doanh nghiệp và người dân (%)
Một điều lý thú được phát hiện qua khảo sát này đó là các DN đưa hối lộ lại không hề có hoạt động kinh doanh tốt hơn. Tính trung bình các DN có hối lộ trong vòng 12 tháng qua trên thực tế tăng trưởng chậm hơn các DN không làm việc này. Tác động này có rõ nét hơn khi tìm hiểu cách thức DN xử lý các khó khăn. Nhìn chung các DN tăng trưởng nhanh nhất là các DN thường xuyên không phải đối phó với các khó khăn do cơ quan nhà nước đưa ra. Các DN thường xuyên áp dụng chiến thuật hối lộ thì kết quả trung bình không tốt lên mà thậm chí còn tồi đi.
Theo nhóm tác giả, văn hóa tham nhũng trong đó các DN phải thường xuyên sử dụng các khoản chi không chính thức đang cản trợ sự tăng trưởng của cả khu vực DN. Xét kết quả tăng trưởng trung bình của các tỉnh/thành phố, địa phương có nhiều DN đưa hối lộ thì nhìn chung cũng là những địa phương mà DN đánh giá họ tăng trưởng chậm hơn.
Không tin vào hiệu quả phát hiện tham nhũng
Cuộc khảo sát cho thấy hơn 90% người được hỏi tin rằng đối tượng tham nhũng chưa phải chịu những hình phạt đích đáng. 80% đối tượng trả lời trong cả ba nhóm đều cho rằng chưa có chú trọng làm trong sạch đội ngũ cán bộ và 76-82% cho rằng các biện pháp phòng chống tham nhũng còn dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm. 75% CBCC và 85% hai nhóm đối tượng còn lại đồng ý là người có thẩm quyền chưa thực sự quyết tâm. 
80% người dân được hỏi tin rằng có sự tiếp tay giữa công chức và đối tượng tham nhũng, 87% cho rằng một số cấp trên bao che cho cấp dưới có hành vi tham nhũng và  76%  nghĩ  rằng  CBCC  thiếu  năng  lực.  Đối với  mẫu cho CBCC và DN, các con số này đều thấp hơn 75% .
Hầu  hết  CBCC tin tưởng  vào các cơ quan  chức  năng. Mức độ tin tưởng cao nhất  là đối với cơ quan kiểm tra của Đảng, tiếp đến  là  cơ  quan  thông  tấn, báo chí.  Đáng lưu ý là  mức độ không tin tưởng vào hiệu quả phát hiện tham nhũng của bất cứ cơ quan nào cũng đều rất thấp.


Sunday 18 November 2012

Tiền đồng tiếp tục có giá ?

Tổng phương tiện thanh toán đến ngày 20/2/2012 giảm 0,11% so với cuối năm ngoái là thống kê chính thức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tiền đã không được “bơm” ra qua kênh chính thức, nhưng NHNN đã bắt đầu phát hành hàng ngàn tỉ đồng tín phiếu ngân hàng kỳ hạn từ 28-364 ngày để hút bớt nguồn cung dồi dào trong hệ thống.

Vậy tiền đã chảy ra lưu thông qua ngả nào và liệu nó có ảnh hưởng tới sự ổn định giá trị tiền đồng?
Mua ngoại tệ: cung tiền không kỳ hạn
Một tổ chức tài chính trích dẫn nguồn tin từ NHNN cho biết cơ quan quản lý ngành ngân hàng chuẩn bị phát hành khoảng 40.000 tỉ đồng tín phiếu với lãi suất từ 11,5-12,5%/năm cho các kỳ hạn một, ba và sáu tháng. Giá trị phát hành lớn như vậy có thể rải đều ra nhiều tháng, không nhất thiết phải dồn vào một thời điểm nhất định và diễn ra trong thời gian ngắn.
Thông tin về tín phiếu ngân hàng đã ngay lập tức tác động khác nhau đến thị trường trái phiếu xuất phát từ các quan điểm trái ngược về loại hàng hóa mới mẻ này. Gọi là “mới mẻ” vì nó đã vắng bóng trên thị trường gần bốn năm nay kể từ khi NHNN phát hành tín phiếu bắt buộc vào năm 2008. Khi ấy các tổ chức tín dụng mua tín phiếu bắt buộc phải giữ đến ngày đáo hạn với lãi suất bất lợi.
Một số ý kiến cho rằng tín phiếu ngân hàng không thể phổ biến và được ưa chuộng như trái phiếu chính phủ. Nên thay vì mua tín phiếu, một số tổ chức tài chính vẫn hướng đến trái phiếu. Đây có thể là một trong những lý do khiến lãi suất trái phiếu chính phủ các kỳ hạn hai và ba năm tụt xuống dưới 11%/năm trên thị trường thứ cấp tuần trước. Đã có những giao dịch trái phiếu chấp nhận lãi suất 10,85-10,9%/năm.
Tuy nhiên một số ngân hàng lại bày tỏ quan điểm việc thanh khoản đang dư thừa chỉ là tạm thời và khó có thể dự đoán thanh khoản sẽ ra sao trong vòng sáu tháng tới, nên mua tín phiếu ngân hàng kỳ hạn ngắn từ 1-6 tháng không những có lợi về kỳ hạn, mà cả lãi suất. Lãi suất tín phiếu rõ ràng cao hơn lãi suất trái phiếu nếu không nhìn vào kỳ hạn.
Cho dù nhìn từ quan điểm nào, cũng đưa đến kết quả là thanh khoản tiền đồng của hệ thống ngân hàng đang trong những ngày dư dả, có của ăn của để.
Sự dư dả ấy bắt nguồn từ đâu? Từ việc mua vào ngoại tệ của NHNN. Những phỏng đoán dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đã vượt 20 tỉ đô la Mỹ, thậm chí cao hơn là có cơ sở.
Cứ theo công bố của NHNN, dự trữ ngoại hối vào cuối năm ngoái tăng 50% so với đầu năm ngoái và từ đầu năm 2012 đến nay tăng thêm 20%. Dự trữ ngoại hối vào thời điểm thấp nhất của năm ngoái được Quỹ Tiền tệ quốc tế ước 13,5 tỉ đô la Mỹ. Nếu tăng 50% vào cuối năm ngoái, nó đã xấp xỉ 20 tỉ đô la Mỹ và hiện có thể vào khoảng 24 tỉ đô la Mỹ tính theo mức tăng thêm 20% nữa. Đây chắc chắn là con số ấn tượng!
Như vậy, một lượng tiền đồng lớn đã được NHNN tung ra để mua ngoại tệ. Những số liệu công bố của NHNN từ đầu năm đến nay cho thấy thị trường mở liên tục hút ròng tiền về, đều đặn từng tuần. Khoảng một tháng sau Tết, con số hút về đã lên tới 135.000 tỉ đồng. Tất nhiên trong số này, có sự cân bằng lại với lượng tiền đã “bơm” ra trước Tết nhằm đảm bảo việc rút tiền để chi tiêu của doanh nghiệp cũng như dân cư. Nhưng mức hút về lớn đến thế phần khác là để trung hòa lượng tiền bỏ ra mua ngoại tệ vốn không có kỳ hạn. Nói cách khác, tiền đưa ra mua ngoại tệ là tiền không quay về két sắt NHNN cho đến khi ngoại tệ được bán ra trở lại để can thiệp tỷ giá nếu cần thiết.


Tiền đồng lên giá đến đâu?
Việc giữ một mặt bằng lãi suất cao bằng cách áp trần huy động đã hỗ trợ rất mạnh cho tiền đồng trong vòng 12 tháng trở lại đây. Điều này làm cho dòng chảy kiều hối vào Việt Nam rộng mở vì có khả năng một phần kiều hối đã được chuyển qua tiền đồng nhằm tận dụng chênh lệch lãi suất. Với cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và Mỹ có thể giữ mức lãi suất thấp đến năm 2014, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ 11%/năm cho kỳ hạn ba năm, thì chênh lệch lãi suất tiền đồng - ngoại tệ là một cơ hội không thể bỏ qua.
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp đang trở lại. HSBC trong bản báo cáo mới nhất về Việt Nam cho biết từ đầu năm đến nay Nhật Bản đã đầu tư 800 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam. Vốn nước ngoài giải ngân vào chứng khoán cũng lên tới 500 triệu đô la Mỹ (ở đây tính cả việc một số đối tác nước ngoài tham gia vào các thương vụ M&A trong nước).
Quan trọng hơn cả là doanh nghiệp đã không còn găm giữ ngoại tệ và tình trạng bảo toàn tài sản bằng đô la Mỹ của người dân đã dịu đi nhiều sau khi NHNN tuyên bố tỷ giá năm nay nếu có điều chỉnh cũng không quá 2-3%. Tuyên bố này đang tỏ ra hiện thực khi dự trữ ngoại hối cho phép NHNN đủ sức can thiệp vào thị trường bất cứ lúc nào.
Việc giảm lãi suất huy động 1%/năm vừa qua chưa ảnh hưởng nhiều đến chênh lệch lãi suất tiền đồng - đô la Mỹ dù khoảng cách đã thu hẹp ít nhiều. Trong giới tài chính, điểm kỳ vọng cho sự chênh lệch lãi suất tầm 5%/năm là chấp nhận được, nhưng hiện tại chênh lệch lãi suất huy động tiền đồng - ngoại tệ đang ở mức 11%/năm sau khi đã đứng ở 12%/năm suốt nhiều tháng qua. Chênh lệch lãi suất thực tế vẫn đang gấp hơn hai lần kỳ vọng! Và chừng nào tỷ giá niêm yết của ngân hàng cũng như tỷ giá thị trường tự do còn cách xa trần, chừng đó sự lên giá của tiền đồng vẫn chưa thể chấm dứt.
Theo Lưu Hảo (Thời báo kinh tế Sài Gòn Online)



Thursday 8 November 2012

Apple iOS 6.0.1 sửa lỗi iPhone 5

Các lỗi liên quan đến Wi-Fi, mạng dữ liệu cũng như bàn phím ảo trên iPhone 5 được sửa thông qua bản cập nhật dung lượng gần 70 MB vừa được Apple tung ra.





Tuy nhiên bản cập nhật iOS 6.0.1 vẫn chưa sửa được lỗi chụp ảnh ánh tím trên camera iPhone 5.
Sáng nay, các thiết bị dùng iOS 6 nhận được thông báo cập nhật phiên bản iOS 6.0.1 mới cho các thiết bị của mình. Tuy nhiên không có những thay đổi lớn trong lần nâng cấp phần mềm này, thay vào đó, các thiết bị của Apple sẽ được tập trung để sửa những lỗi nhỏ đã gặp phải.

Đáng chú ý nhất là với iPhone 5, model được người dùng phàn nàn nhiều lỗi vặt kể từ khi xuất hiện. Bản cập nhật iOS 6.0.1 được thông báo sẽ sửa hiện tượng nhòe và có sọc ở bàn phím ảo, vấn đề với đèn Flash của camera, kết nối Wi-Fi và dữ liệu mạng. Tuy nhiên, vấn đề lỗi ánh tím trên iPhone 5 vẫn chưa được Apple giải quyết bằng giải pháp phần mềm trên iOS 6.0.1.


Chi tiết các thay đổi trên bản cập nhật iOS 6.0.1:

- Sửa lỗi ngăn cài đặt phần mềm cập nhật qua phương thức không dây.

- Sửa lỗi sọc xuất hiện ở bàn phím ảo (chiều dọc).

- Sửa lỗi Flash camera không tắt đi được trong một số trường hợp.

- Cải thiện khả năng kết nối của iPhone 5 và iPod Touch gen 5 tới mạng Wi-Fi bảo mật WPA2.

- Giải quyết các vấn đề về việc sử dụng mạng dữ liệu trên iPhone 5.

- Hợp nhất nút chuyển về dụng mạng dữ liệu với iTunes Match.

- Sửa lỗi cho phép qua mặt mã Passcode Lock truy cập vào Passbook ở màn hình khóa.

- Sửa vấn đề liên quan tới đặt lịch hẹn ở Exchange.

Bản cập nhật iOS 6.0.1 có thể được cập nhật trực tiếp thông qua giao thức OTA hoặc cập nhật thông qua phần mềm iTunes.
Theo Vnexpress

Monday 5 November 2012

Tạo đĩa cài Windows 7 bằng USB

Tại sao phải cài đặt Windows 7/Vista từ USB?

- Như các bạn đã biết, hiện nay Netbook đã khá phổ biển bởi một số ưu việt như giá thành rẻ, phù hợp với nhu cầu của nhiều người. Không như những phiên bản đầu tiên sử dụng ổ đĩa SSD dung lượng nhỏ, giờ đây nhiều Netbook sử dụng đĩa cứng dung lượng lớn từ 160GB trở lên nên việc cài  Windows7/Vista đã khả thi hơn. 
- Đồng thời do Netbook không trang bị đĩa quang nên việc cài đặt Windows từ đĩa DVD chỉ có thể thực hiện khi có ổ đĩa DVD ngoài mà cái này không phải ai cũng có. Trong khi đó, USB hiện đã quá rẻ và phổ biến nên trong bài này tôi sẽ từng bước hướng dẫn các bạn cách tạo bộ cài Windows 7/Vista lên ổ đĩa USB
- Cho dù bạn có máy tính với ổ đĩa quang, bạn có thể vẫn nên dùng ổ USB để cài  Windows 7 nếu bạn hay cài Windows 7 cho mọi người vì cài Windows 7 từ USB chỉ mất khoảng 15 phút so với gần 1 tiếng khi bạn cài từ DVD.
Để tạo đĩa cài  Windows7/Vista từ USB bạn cần chuẩn bị:
- 1 Đĩa DVD cài đặt Windows 7/Vista
- 1 ổ USB có dung lượng tối thiểu 4GB
- 1 Máy tính có ổ đĩa DVD
- Ghi lại tên nhãn các ổ đĩa trên máy tính của bạn
Trình tự các bược tạo đĩa cài  Windows7/Vista bằng USB:

Bước 1. Cắm ổ USB vào máy tính và sao lưu lại các dữ liệu trên ổ đĩa USB vì quá trình tạo đĩa bạn phải định dạng (format) ổ đĩa và dữ liệu sẽ bị xoá sạch.




Bước 2. Mở cửa sổ lệnh Command bằng 1 trong các cách sau:
- Cách 1: Nhấn Start chọn Run và gõ CMD rồi nhấn Enter
- Cách 2: Nếu bạn không thấy lệnh Run trên Menu Program bạn có thể gõ CMD vào cửa sổ Search sau khi nhấn Start và sau đó nhấn Ctrl+Shift+Enter
- Cách 3: Start menu > All programs > Accessories, nháy chuột phải vào Command Prompt và chọn Run as administrator.


Bước 3. Lần lượt thực hiện các lệnh sau:
- DISKPART và nhấn ENTER. 
- Tiếp theo, Bạn cần xác định ổ đĩa USB để định dạng và tạo đĩa khởi động Windows7/ Vista. Để xác định ổ đĩa USB bạn dùng lệnh:
LIST DISK
- Ví dụ, ổ USB sử dụng để tạo đĩa Windows7 là DISK 1 với dung lượng 3852MB
Bước 4. Định dạng và tạo đĩa khởi động Windows 7:
- Lần lượt gõ các lệnh dưới đây vào cửa sổ Command và nhấn ENTER (từng dòng lệnh)
SELECT DISK 1 
CLEAN
CREATE PARTITION PRIMARY
SELECT PARTITION 1
ACTIVE
FORMAT FS=NTFS
(Vui lòng đợi trong vài phút để chương trình định dạng ổ đĩa)
ASSIGN
(Sau lệnh Assign, Windows sẽ gán cho ổ USB thành 1 đĩa, ví dụ ở đây là ổ M)
EXIT

- Lưu ý: Các bạn đừng vội đóng cửa sổ này, chúng ta sẽ cần dùng ở bước 6 để chuyển các tập tin khởi động. Tạm thời thả nó xuống thanh công cụ (Minimize) nếu bạn thấy vướng màn hình.
Bước 5. Cho đĩa DVD Windows 7 vào ổ đĩa quang để tiến hành nạp tập tin khởi động và file cài lên đĩa USB.
- Trên máy tôi dùng để tạo đĩa, ổ H là ổ DVD có chứa đĩa cài  Windows7 RTM; ổ M là ổ USB dùng để tạo đĩa cài Windows7. Các bạn cần thay các ký tự này cho phù hợp với nhãn ổ đang sử dụng trên máy tính của mình. 
- Để biết chính xác nhãn ổ đĩa, bạn có thể chạy Explore để kiểm tra.

Bước 6. Nạp mã khởi động (Boot Code) Windows7/Vista trên ổ USB
- Chọn cửa sổ command đã cho nhỏ (Minimize) ở bước 4 và mở to lên màn hình (maximize)
- Gõ các lệnh sau:
H: CD BOOT và nhấn ENTER với H là nhãn ổ đĩa quang có chứa DVD Windows 7.
CD BOOT và nhấn ENTER
BOOTSECT.EXE /NT60 M: 
- Tạo Boot Manager cho đĩa USB với M là ổ đĩa USB dùng để tạo đĩa cài  Windows 7
- Lưu ý: Bạn cần xác định đúng nhãn ổ đĩa quang DVD và ổ USB để gõ lệnh cho đúng.
Bước 7. Sao chép toàn bộ các tập tin trên DVD Windows 7/Vista vào USB. 
Để chắc chắn tất cả các file đều được chọn, bạn nhấp chuột vào ổ DVD trong Explore, sau đó nhấn Ctrl+A để chọn tất cả các tập tin, nhấn Ctrl+C để copy, tiếp đến chọn ổ USB và nhấn Ctrl+V để sao chép các tập tin vào ổ USB.
Chúc mừng bạn, ban đã tạo xong đĩa USB có thể khởi động và cài đặt Windows7/Vista. Để sử dụng được đĩa USB khởi động và cài đặt Windows bạn cần thiết lập thông số trong BIOS để máy tính khởi động từ USB. Vui lòng tham khảo sách hướng dẫn đi kèm máy tính của bạn để biết cách thiết lập.
Cách tạo ổ đĩa USB cài Windows tôi trình bày ở trên đã được thử nghiệm nhiều lần và 100% thành công.

Monday 29 October 2012

Không chỉ chuyện “cẩu tặc”


Vào sáng 25.10, hai người đàn ông đã bị đám đông người dân đánh bất tỉnh và xe máy của họ bị đốt rụi ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Trớ trêu thay, hai nạn nhân này cũng đồng thời là nghi phạm ăn trộm chó.

Câu chuyện trên là một bi kịch đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm gần đây. Theo đó, những kẻ bị bắt quả tang hoặc bị tình nghi ăn trộm chó đã bị đám đông “xử tại chỗ” mà không chờ sự vào cuộc của hệ thống pháp luật. Có trường hợp nghi phạm trộm chó bị đám đông cuồng nộ đánh chết, mà sự kiện xảy ra tại xã Gio Thành, huyện Gio Linh (Quảng Trị) vào ngày 29.8 không phải là ví dụ duy nhất.
Dễ nhận thấy đây là hệ quả từ thực tế: nạn trộm chó lộng hành trước sự bất lực của cơ quan chức năng. Không có gì vô lý và bi đát hơn, khi người dân nuôi chó lại phải luôn sống trong sợ hãi trước sự đe dọa của kẻ trộm cướp. Tại nhiều nơi, chủ chó còn bị “cẩu tặc” hành hung, thậm chí bị giết; trong khi cơ quan bảo vệ pháp luật thì phản ứng chậm chạp, thậm chí thờ ơ. Trong nhiều trường hợp, kẻ trộm chó bị đánh hội đồng sau khi hành hung người sở hữu chó hoặc người truy đuổi. Mới đây nhất, sáng 23.10, tại thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), anh Nguyễn Trung Hiếu đã bị bắn chết khi đang cố đuổi theo kẻ trộm chó.
“Cẩu tặc” lộng hành còn chính quyền thì phản ứng chậm, người dân không còn cách nào khác là tự bảo vệ cho sự an nguy của mình, tự thực thi công lý theo cách của mình. Người dân có lý do chính đáng để tự vệ, nhưng hình ảnh hàng chục, hàng trăm người bao vây, đánh đập nghi phạm trộm chó và ngăn chặn xe cứu thương chở những thủ-phạm-nạn-nhân này tới bệnh viện lại mang dáng dấp của những phong trào hành quyết trong các xã hội bất ổn. Nước Mỹ vào cuối thế kỷ 19, đặc biệt là sau Nội chiến, từng chứng kiến vô số cuộc hành quyết (lynching) ghê rợn. Trong đó, những “tội nhân”, theo phán quyết của một cá nhân hoặc tập thể, bị treo cổ ngay lập tức mà không chờ đến sự vào cuộc của cảnh sát và tòa án. Phong trào KKK ở Mỹ, tệ săn phù thủy ở Mỹ, châu Phi… là những hình thức khác nhau của một hiện tượng: bỏ qua hệ thống hành pháp và tư pháp, đám đông tự thực thi cái mà họ cho là công lý.
Nhiều nghiên cứu khẳng định lynching xảy ra phổ biến nhất trong các xã hội bất ổn, khi hệ thống chính quyền không đảm trách được vai trò bảo an. Ở Mỹ vào cuối thế kỷ 19, đó là lúc lòng người phân rẽ, sự bất mãn của một bộ phận người da trắng dâng lên khi nô lệ da đen được giải phóng, và chính quyền chưa thực hiện tốt vai trò quản lý xã hội. Ở Haiti sau trận động đất năm 2010, hơn 40 người đã bị đám đông hành quyết với cáo buộc là thủ phạm làm lây lan dịch bệnh, trong bối cảnh chính quyền không kiểm soát nổi bất ổn xã hội còn người dân thì mất niềm tin vào chính quyền theo sau thảm họa thiên nhiên.
Đặt dưới lăng kính lịch sử và xã hội học, sẽ thấy rằng những trận đánh hội đồng nghi phạm trộm chó đang xảy ra với mật độ ngày càng tăng tại Việt Nam mang hình hài của nạn lynching từng gây nên bao kinh hoàng ở Mỹ và nhiều nơi khác. Đó là niềm tin của người dân vào chính quyền bị xói mòn song song với nỗi hoang mang và giận dữ trước nạn “cẩu tặc” ngày một tăng. Thực trạng người dân lành sắm hung khí để tự vệ gần đây còn cho thấy nỗi hoang mang và mất lòng tin ấy đang lan rộng, chứ không chỉ giới hạn trong chuyện “cẩu tặc”.
Nguyên nhân trên hết của xu hướng này chính là sự yếu kém của bộ máy chính quyền. Để giải quyết triệt để, phải bắt đầu bằng việc chấn chỉnh năng lực thực thi pháp luật của cơ quan chức năng.
Châu Minh Linh

Thursday 18 October 2012

19 lý do khiến đàn ông cần phụ nữ


Chuyện đàn ông cần đến phụ nữ thiết tưởng là điều không cần phải chứng minh. Thế nhưng, không phải ai cũng để tâm suy nghĩ về lý do vì sao đàn ông lại cần phụ nữ đến vậy. Xin đưa ra 19 lý do như sau:
1. Chúa tể vệ sinh: Tính lười biếng của đàn ông sẽ phát triển cao độ khi không có sự nhắc nhở của phái nữ như quần áo bẩn ngại giặt, chén bát ăn xong không rửa, rác không đổ... Anh ta sớm muộn gì cũng sống trong núi rác!
2. Kẻ thù của rượu bia: Không có ai cằn nhằn, cự nự, đàn ông sẽ nhậu cho đến lúc biến thành cái bao da đựng rượu.
3. Bộ máy kiểm tra ngôn ngữ: Không ai lườm hay bĩu môi chê trách, đàn ông sẽ nói năng thả phanh.
4. Cô giáo lãng mạn: Có nàng anh ta mới biết hoa dùng vào việc gì... Chứ không họ cũng sẽ coi hoa chỉ là một loài cỏ cây không hơn.
5. Bác sĩ kiểm tra sức khỏe: Thiếu phụ nữ, đàn ông sẽ không có người mua tất chân và giục anh ta phải thay tất hàng ngày.
6. Máy định vị cảm giác: Thiếu phụ nữ, râu đàn ông sẽ mọc tự do thoải mái mà không ai bắt họ cạo cả.
7. Chuyên gia tư vấn sắc đẹp: Bụng đàn ông sẽ to như cái thùng nếu thiếu người "huy động" anh ta dậy tập thể dục mỗi ngày.
8. Sáng tạo ra nụ hôn: Không có nàng cánh đàn ông có dám hôn nhau không? Chỉ mới nghĩ tới thôi đã thấy... ghê rồi!
9. Nguồn gốc ái tình: Đàn ông sẽ... mù tịt về tình yêu khi thế giới chỉ toàn đàn ông.
10. Lý do của các cuộc nghiên cứu sinh lý: Nếu không có phụ nữ, người ta chẳng mất công tìm ra thuốc... Viagra làm gì!
11. Độc quyền sinh con: Thiếu nàng, đàn ông liệu có một mình làm việc sinh nở được không nhỉ?
12. Ngân hàng an toàn: Đàn ông sẽ phá sản rất nhanh vì thiếu người thu gom tiền lương của anh ta mỗi tháng!
13. Sáng tạo ra những tính cách đặc biệt: Đàn ông làm sao biết được thế nào là ghen, thế nào tình địch khi thiếu nàng?
14. Nhà ẩm thực đáng tin cậy: Đàn ông sẽ sớm đau bao tử vì cứ suốt ngày ăn uống lê la ngoài đường!
15. Bảo vệ công việc của đàn ông: Không có nàng đàn ông sẽ... thất nghiệp vì sáng nào cũng thức dậy muộn!
16. Nha sĩ bảo vệ răng: Răng đàn ông sẽ ra sao khi không có ai lấy kem đánh răng sẵn vào bàn chải và nhắc nhở anh ta đánh răng mỗi tối, sáng?
17. Nhà tâm lý học: Đàn ông sẽ không biết cảnh "xuống nước" năn nỉ nếu chưa một lần nhìn thấy nước mắt của nàng!
18. Sếp của đàn ông: Người ta luôn gọi phụ nữ là một "nội tướng" trong nhà, mà "nhà" thì có đàn ông trong đó!
19. Tinh hoa của đất: Hàng năm có biết bao cuộc thi để chọn lựa những hoa hậu: hoa hậu quốc gia, hoa hậu trái đất... mà người được chọn thì toàn là phái nữ!

Thư gửi vợ ở xa


Em thân yêu,
Khi đọc được thư này hẳn em biết anh vẫn còn sống và khỏe mạnh, cho dù khi em bỏ đi, anh đã thề sẽ tuyệt thực cho đến chết để mong em động lòng mà ở lại . Anh cố gắng viết rất chậm vì biết em không thể nào đọc nhanh được, nhưng em đừng vội nghĩ sức anh đã tàn.
Ngày em đi, anh đã lập tức thực hiện lời thề bằng cách không đụng vào đồ ăn trong nhà . Đến trưa, khi bụng cồn cào mặt xây xẩm, anh tưởng là do nhớ em, nhưng sau đó anh nhanh chóng nhận ra rằng mình đã sai, vì nguyên nhân thật sự gây cho anh cảm giác đó chính là do anh... đói . Bởi thế, anh quyết định thay đổi cách tự trừng phạt là anh phải cố gắng ăn để có sức mà chờ đợi sự tha thứ của em . Cách này tuy có tàn nhẫn bởi anh phải sống lâu hơn trong sự dằn vặt, nhưng anh thấy nó xứng đáng với lỗi của anh đối với em trong thời gian vừa qua.
Khi bụng bớt cồn cào, đầu óc thêm tỉnh táo, anh liền nhớ ra những lời vàng ngọc của em khi trước, là phải tránh xa bia rượu vì chúng có hại cho con người . Vì thế, trước những điều không phải của anh trong quá khứ, anh quyết định tự làm bản thân thêm tàn tạ bằng cách cố uống thêm chục lon bia cho đáng đời mình.
Thật ra, anh cũng chẳng thích say sưa, nhưng nó giúp anh vơi đi nỗi buồn thiếu em . Càng nhớ em anh càng phải uống . Nhưng thật bất hạnh cho anh, nỗi nhớ em ngày càng quay quắt, nên mỗi ngày anh lại càng phải uống nhiều hơn . Khi có em, chỉ chục lon anh đã say mèm, nay vắng em, đến cả thùng cũng chẳng đủ để anh quên đi hình bóng kềnh càng của em luôn ngự trị trong tim anh.
Cuối cùng, không thể chịu đựng được nỗi cô quạnh không có em, không có tiền và nhất là không có... bia, anh đành phải đi tìm việc làm, mặc dù anh rất muốn ở nhà để gặm nhắm nỗi buồn . Cũng may tài năng của anh đã được đôi mắt sáng suốt nhìn nhận . Anh đã có công việc phù hợp với khả năng của mình . Chắc em khó tưởng tượng trong khi làm việc anh oai phong như thế nào đâu . Mỗi bước anh đi, hàng trăm người mằm im thin thít, không dám hé răng . Đó chính là việc cắt cỏ tại nghĩa trang gần nhà chúng ta đấy em ạ!
Định vài dòng hỏi thăm em, nhưng tiếc quá giấy đã hết!
TB : Anh sẽ rất vui nếu em trở về, và sẽ vui hơn rất nhiều nếu em về có mang theo bia!

Friday 12 October 2012

19 cái tát vì điểm 6


Chuyện thầy cô giáo đánh học sinh ở thế kỷ 21 này rõ ràng không thể chấp nhận được. Tuy vậy, còn có một chi tiết khiến câu chuyện về 19 cái tát này trở nên nhức nhối hơn: Em bé đó bị phạt chỉ vì đã "bị" điểm 6.
Xin lưu ý  là điểm "sáu" (viết bằng chữ), chứ không phải điểm 1, điểm 2, không phải "ngỗng", "gậy". Điểm 6  trong thang điểm 10 của nhà trường VN  vẫn là điểm quá bán, trên trung bình, vậy mà học sinh đã bị trừng phạt (!).
Đây lại là một bằng chứng nữa cho thấy "căn bệnh" thành tích, chạy theo phong trào trong các trường học đã quá trầm trọng. Vì không muốn có thêm những "điểm 6" kéo tụt điểm thi đua của cả lớp, không muốn thành tích của lớp mình kém hơn lớp khác, một cô giáo - còn rất trẻ và có năng lực, công tác giữa một quận trung tâm thủ đô, đã dùng nhục hình đối với một em bé còn đang tuổi mút kẹo. Trong trường sư phạm không ai dạy cô làm như vậy. Chắc chắn cái "sáng kiến" này sinh ra từ  sức ép "thi đua" ở các trường học hiện nay.
Chính sức ép này còn dẫn tới những hiện tượng khác vốn bị lên án lâu nay, như: Những lớp học có tỉ lệ học sinh xuất sắc quá cao; những trường luôn thi đỗ tốt nghiệp 100%; những cuộc chạy đua danh hiệu giữa trường này trường khác, quận này quận khác, tỉnh này tỉnh khác... Tất cả chỉ mải mê chạy theo những "thành tích ảo", trong khi bản thân chất lượng giáo dục lại không hề được nâng lên.
Các bậc phụ huynh có bao giờ tự hỏi: Những đứa con của chúng ta, những đứa trẻ tội nghiệp luôn phải sống trong một môi trường "thi đua" méo mó như vậy lớn lên sẽ ra sao? Chúng có thể phát triển thành những con người hài hoà về tinh thần và trí tuệ, với những kiến thức toàn diện và một suy nghĩ lành mạnh về cuộc sống được không?
Những cái tát vì "điểm 6" này là cái tát vào mặt tất cả chúng ta, là cái tát vào cả nền giáo dục.

Xuê xoa chuyện nhỏ, bỏ mất tình yêu


Nhà tiên tri Van - gat người Bungari được xem là sự huyền bí kỳ diệu của thế giới trong thế kỷ 20, bà đã dự báo, chữa bệnh và khuyên bảo rất nhiều người có chuyện khúc mắc, trong đó có cả vài nguyên thủ quốc gia, đã đưa ra lời khuyên xuyên suốt rằng: Ở đời, có cái tưởng như quan trọng nhưng không sao cả, nhưng có cái trông rất nhỏ lại ẩn chứa như sóng ngầm để bùng lên thành việc rất lớn. Thí dụ có người đau đầu, đau cột sống trong nhiều năm, đi chụp chiếu ở nhiều bệnh viện không phát hiện ra điều gì, nhưng bà thấy được, bà bảo hãy mổ và lấy ra chiếc kim nhỏ găm vào hông người bệnh, quả đúng như vậy...
Một triết gia có nói: “Một hòn đá đặt đúng chỗ có thể chuyển hướng cả dòng sông”, đủ thấy rằng: Cuộc đời không thể xem thường bất cứ cái gì là chuyện vặt cả. “Thứ nhất đau mắt, thứ nhì rắt răng”, bị đau mắt thì phải nhỏ thuốc, giữ gìn khăn mặt sạch sẽ, kiêng bụi bặm; bị rắt răng thì phải lấy tăm từ từ nhẹ nhàng xỉa cho kỳ được.
Người phương Tây đã đặt ra phương châm xuyên suốt cuộc sống rằng: hãy đối mặt với vấn đề. Nếu bạn lảng tránh vấn đề thì vấn đề sẽ gặp lại bạn một cách nghiêm trọng hơn nhiều.
Người Trung Quốc thì nói: “Hãy đứng dậy từ chỗ mình ngã xuống”, nghĩa là gặp bất kỳ vấn đề nào người ta đều phải biết vượt qua chính vấn đề đó, chứ không phải ngã chỗ này đứng dậy từ chỗ khác.
Vậy thì gi gỉ gì gi cái gì cũng thành vấn đề và phải giải quyết hay sao? Sống cố chấp nhặt nhạnh việc to - việc nhỏ như vậy thì sao sống nổi? Nhìn một cỗ máy, hoặc như chiếc tivi trong nhà, chúng ta thấy gì? Có phải mọi linh kiện phải hoàn chỉnh thì chiếc máy mới vận hành trơn tru. Để ý đến việc nhỏ là bổn phận chu toàn, chứ không phải chấp nhặt không bỏ qua việc gì. Để dễ hiểu chúng ta cần phân biệt hai hướng:
1. Người ta, ai ai cũng vậy, dù chồng, dù vợ, hay con cái đều phải biết chu toàn mọi việc từ nhỏ đến lớn. Nhìn người từ đầu đến chân, tóc tai bù xù, quần áo nhầu nhĩ, giầy dép lem nhem bẩn thỉu, thì làm sao có thể là người đáng tin về nhân cách. Người Việt vẫn nói: “Cái răng cái tóc là góc con người”, muốn phản ánh rằng, cái răng, cái miệng sẽ phản ánh con người mình đó, chớ có xem thường.
Lại còn có cụm từ “đứng đắn”, nghĩa đen là, đi đứng ngay ngắn, ngồi không xiêu vẹo ngả ngớn, mới có thể đảm bảo đó là người đứng đắn. Đức Khổng Tử còn nói: Trải chiếu xiêu vẹo thì không ngồi, đó là muốn rèn luyện người ta muốn đứng đắn thì trước hết phải ngay ngắn mọi sự.
2. Nhưng về đức độ lượng thì người ta phải bao dung quảng đại, chín bỏ làm mười, thậm chí một bỏ làm mười, như người Trung Quốc nói: “Cắn răng chịu thiệt, đứng vững gót để làm người”.
Ở đời, ai ai chẳng muốn cạnh tranh bon chen giành cái tốt, phần hơn cho mình. Nhưng khi chịu thiệt, người ta cắn răng chịu đựng, như thế mới là bản lĩnh.
Chuyện vợ - chồng cũng vậy, nhường một câu, hai câu, chín câu thì gia đình êm ấm:
Bên thẳng thì bên phải chùng
Hai bên cùng thẳng thì cùng đứt dây
Nhưng trái lại, nhiều khi người ta ăn miếng trả miếng nhau, rỉa rói, đốp chát từng câu một, nói ra cho hả, cho thỏa thích, nói cho nhanh không việc gì phải nhịn cho mệt, kết quả là người ta chỉ thích sống tùy tiện, vui thì cười, tức thì xả cho bõ, rồi “giận mất khôn”, “tiếng bấc ném đi tiếng chì ném lại”, thế là gia đình êm ấm chao đảo trong chớp mắt.
Mở đầu bữa cơm, chưa kịp ăn đến hai lưng, đã thấy cảnh ném nồi, quăng mâm, đập bát, khua môi múa mép liến thoắng. Ngôn ngữ đạp nhau chan chát, và có cả tiếng chân tay múa võ huỳnh huỵch đi quyền, rồi tiếng la “Ôi làng nước ơi!”.
Giờ đây có rất nhiều nơi đang cảnh báo nạn bạo hành vũ phu của các ông chồng, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ còn chưa đủ, ông phăm phăm chạy vào sau nhà, đem nào gậy, nào dao ra sát phạt vợ như quân hằn quân thù.
Người Việt từ xưa đã truyền:

Nhất cần thiên hạ vô nan sự
Bách nhẫn gia trung hữu thái hòa
Tức là: hãy cần cù, thiên hạ chẳng việc gì khó, hàng trăm sự nhẫn nhục thì gia đình bình yên.
Giờ, chúng ta hãy bàn vào hai hướng này. Hướng thứ nhất là chu toàn việc nhỏ. Nhiều cặp vợ chồng cãi nhau chỉ vì việc bật ti vi, chàng thích xem bóng đá, nàng thích xem cải lương, chuyển kênh qua, chuyển lại, rồi cãi cọ nhau; rồi “cái xảy nảy cái ung”, chuyện nọ xọ chuyện kia, thế là xung đột bắt đầu.
Vậy thì nguyên nhân có phải là do chuyển kênh ti vi không? Không phải, sâu xa bên trong sự việc, nó biểu hiện cả lòng ích kỷ của con người, lòng ích kỷ đó còn bế tắc hơn cả cách giải quyết, tại sao anh chồng không mặc áo vào và bảo em ở nhà xem cải lương đi, anh sang ông hàng xóm xem nhờ bóng đá vậy.
Thế mà có cô vợ vẫn chẳng biết điều, lại còn rít lên: “Anh đừng lấy cớ đi chơi, anh hãy ở nhà”.
- Vậy thì em hãy bật bóng đá cho anh xem!.
- Không bóng đá bóng đanh gì cả, xem cải lương, không thì tắt ti vi đi, cũng chẳng được đi đâu hết, nếu thích lên giường đi ngủ.
Qua một chuyện nhỏ như vậy, chúng ta thấy gì? Có phải cô vợ vừa ích kỷ, vừa võ đoán, vừa thu vén tất tần tật theo ý mình. Có thể ông chồng bị dồn đến chân tường sẽ vùng lên.
Hướng thứ hai là hướng nhẫn nhục nhường nhịn. Nhưng nhẫn nhục không phải là cam chịu mà phải biết đối mặt, giải quyết vấn đề. Vấn đề được giải quyết thì mới hết, chứ không thể hết bằng cách xuê xoa tảng lờ đi.
Để hiểu chuyện nhỏ và chuyện lớn, chúng ta có thể nhớ lại một câu nói: “Đừng bao giờ quên những ai giúp ta dù chỉ một tẹo, nhưng đừng bao giờ nhớ cái mình giúp cho người dù lớn thế nào”.
Về phía bản thân, tức bổn phận của mình, mỗi chúng ta đều phải làm từ những việc nhỏ nhất, giống như trồng cây hạnh phúc, chăm rễ, nâng lá, tỉa cành, bắt sâu, hứng hoa, đỡ quả; và việc làm đó được tiến hành một cách tự nguyện và sung sướng, mà chẳng bao giờ cần ghi nhớ cả.
Nhưng về phía bạn đời, ta hãy đại lượng bỏ qua từ việc nhỏ nhất, đến việc to nhất, coi như không có; nhưng không bỏ qua trong tinh thần xuê xoa, mà vào lúc nào thuận lợi vui vẻ nhất ta hãy khéo léo đem vấn đề ra giải quyết.
Chẳng hạn giống như việc bật ti vi, vào lúc có tiền, chàng có thể đề nghị với nàng: “Ta nên mua thêm một chiếc ti vi nữa, để em xem cải lương còn anh xem bóng đá”. Có thể nàng sẽ bảo: “Thôi mua thêm chiếc nữa làm gì cho tốn, vả lại em ngồi xem một mình cũng buồn lắm. Anh cứ bật ti vi mà xem bóng đá”. Còn em sẽ xem anh reo hò...
Khi người ta biết “vong kỷ hiến tha” thì ở đời cái gì cũng là chuyện nhỏ. Trái lại nếu người ta chỉ biết “ích kỷ hại tha” thì việc gì cũng hóa thành lớn - khó mà giải quyết.