Friday 5 June 2020

Một đứa trẻ lớn lên như ong bướm hay ruồi nhặng, là do ai?

Có câu chuyện kể rằng, một đôi vợ chồng người châu Á trẻ vừa dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc ăn điểm tâm, người vợ thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi bên nhà bà ấy. "Tấm vải bẩn thật" - Cô vợ thốt lên. "Bà ấy không biết giặt, bà ấy vừa ngu và vừa lười". Ngày nào cũng vậy, cô nhìn bà hàng xóm phơi đồ và bảo là "hết muốn ăn, sao lại có người tệ đến thế nhỉ, bà ta đã làm hỏng bữa sáng của em". Một tháng sau, vào một buổi sáng, người vợ ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cô nói với chồng: "Bây giờ bà ấy đã biết cách giặt tấm vải rồi. Ai đã dạy bà ấy thế nhỉ?". Người chồng đáp: "Không. Sáng nay anh đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy".

Thực ra mỗi người trong chúng ta, ai cũng đều giống như cô vợ trong câu truyện kia. Chúng ta đang nhìn người qua lăng kính loang lổ những vệt màu của cảm xúc, bám dày lớp bụi bặm của thành kiến. Chúng ta trở nên phán xét, bực dọc và bất an trước những gì mà tự mình cho là "lỗi lầm của người khác". Một điều dễ nhận diện là khi tâm trạng vui vẻ, chúng ta nhìn ai cũng thấy dễ chịu, gặp chuyện gì cũng dễ thứ tha. Chúng ta có thể mỉm cười trước những trò nghịch ngợm của lũ trẻ, đủ khoan thứ để nhẫn nại một lời nói khó nghe, những chuyện tưởng chừng khó chấp nhận, thì chúng ta cũng dễ dàng thỏa hiệp. Những lúc ấy, dường như cả thế giới đều trở nên hòa ái, mọi chuyện trôi qua một cách nhẹ nhàng. Vậy mà, chỉ cần một chút lo lắng dâng lên trong lòng, những muộn phiền về quá khứ, nỗi sợ hãi về tương lai sẽ lập tức khiến cho cái thế giới vốn đang đẹp đẽ nhường kia liền biến thành một chốn đầy những chuyện xấu xa, phiền phức. Khi ấy những tiếng hò hét cười đùa của lũ trẻ sẽ trở thành những âm thanh khó chịu, một lời nói không vừa ý dễ dàng khiến cho ta sân giận hoặc tổn thương, những chuyện nhỏ mà lúc bình thường không đáng bận tâm, bỗng trở thành một nỗi phiền não quá sức chịu đựng.

Kỳ thực, không phải là thế giới có vấn đề, hay người khác quá sai quấy, mà vấn đề nằm chính ngay nơi tâm ta. Chúng ta luôn có xu hướng nhìn những thứ mình thích, những người mình thương với cặp mắt kính màu hồng, và ngược lại, nhìn những việc mình không muốn, những người mình không ưa bằng chiếc kính tiêu cực màu đen. Do thói quen phóng đại mọi ưu điểm của những người mình thích, họ trở nên quá lung linh, quá tuyệt vời trong cảm nhận của chúng ta. Mỗi lời họ nói, mỗi việc họ làm đều khiến chúng ta xem là chân lý, ngay cả lúc họ sai, chúng ta cũng khó lòng nhìn nhận cho thông suốt. Ví như những cặp đôi khi mới yêu nhau, thì riêng đối với họ, đối phương luôn đẹp đẽ, dễ thương và toàn ưu điểm. Để rồi khi sự yêu thích bên trong mình giảm sút, thì hình tượng trong lòng cũng theo đó mà sụp đổ, rồi đi kể cho người bạn thân nghe để trút hết nỗi lòng, để tìm đồng minh. Chúng ta nhìn ra ở đối phương ngày càng nhiều lỗi lầm và khuyết điểm, thật sự là do chúng ta đang xấu xí dần dần chứ đối phương vẫn vậy. Bà hàng xóm vẫn phơi đồ giống nhau mỗi ngày, chỉ là tấm kính nhà mình đang bẩn hay sạch mà thôi.

Khi nói lỗi ở người khác, chúng ta vô tình truyền sang người nghe những cảm xúc tiêu cực, bất an. Dòng tâm thức của chúng ta cũng trở nên lộn xộn, đầy những rắc rối y như câu chuyện mà mình đang kể. Rồi một cách rất tự nhiên, họ sẽ áp dụng đúng sự phê phán, soi xét đó trở lại cho ta. Để trẻ con nghe chuyện mình chê 1 người khác, là một cách giáo dục sai lầm lớn. Lớn lên, đứa trẻ ấy sẽ chỉ quen dòng văn học "hiện thực phê phán", điều này vô cùng nguy hiểm. Dòng văn học của người sang trọng quý phái là dòng văn học nhân ái, dòng văn học lãng mạn, dòng văn học của sự khen ngợi và yêu thương.

Xét cho cùng, lỗi lầm (là do mình nghĩ chứ chưa chắc họ vậy) dù của ai cũng chẳng hề ảnh hưởng đến tư cách của chúng ta. Nó chắc chắn không làm cho chúng ta trở nên đẹp đẽ gì hơn khi phê phán người. Tìm lỗi của người khác, tìm điểm xấu của người khác, là tự đem rác rưởi của họ về cất trong nhà. Mỗi phút chúng ta để tâm đến chuyện không tốt, thì mất đi một phút vui vẻ không thể lấy lại. Cuộc đời này ngắn lắm, sẽ chẳng ai có khả năng và trách nghiệm níu giữ cho ta những thời khắc sinh mệnh đang vùn vụt trôi qua. Cách mà chúng ta nhìn người khác, thực chất là đang phản ánh nội tâm của chính mình. Một người đang túng thiếu sẽ thấy khó chịu với những ai dư giả. Một người sân hận sẽ luôn thấy người khác công kích mình. Một người không thành thật sẽ thấy mọi người đầy xảo trá. Người không có đức tin thì luôn nghi ngờ. Tất cả những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực đó, đều khởi sinh từ một tâm thức thiếu bình an, và tự yêu bản thân mình quá lớn, một sự giáo dưỡng ích kỷ khi còn nhỏ. Sống với ong bướm thì sẽ thấy toàn mật ngọt hoa thơm, sống với ruồi nhặng thì thấy ở đâu cũng toàn rác. Nếu bạn đang sống với 1 đứa trẻ, đừng bao giờ chê người khác, vì dù muốn dù không, chúng sẽ nghe. Và rồi lớn lên, chúng sẽ có thói quen chê người. Và điều đó khiến chúng đau khổ, không thành công về mặt sự nghiệp do không có nhiều người muốn tiếp xúc. Do năng lượng âm, năng lượng tiêu cực sẽ loại trừ mất sự hào hứng, sự vui vẻ, năng lượng dương, sự sáng tạo của người khác. Xã hội châu Á thường ít sáng tạo ở phương Tây cũng là do những tháng ngày miệt mài với dòng văn học "hiện thực phê phán", ngay cả nhận xét của thầy cô cũng đã nhuốm màu tiêu cực với câu "lời phê của giáo viên" trong bài kiểm tra.

Nếu giáo dục 1 đứa trẻ vẫn để "lời phê" trong bài kiểm tra thì mặc định đứa trẻ ấy có gì đó kém cỏi. Bạn hãy cố gắng tìm cái hay riêng của mỗi người mà khen, không khen được thì im lặng, điều đó sẽ tốt hơn cho bạn và cho cả xã hội, cho cả loài người.

(Bài sưu tầm, không rõ tác giả)

Thursday 4 June 2020

Lưng gù, lưng thẳng

Hơn năm trời loay hoay với thủ tục đầu tư dự án đốt rác phát điện cho TP HCM, tôi và Takeshi đành từ bỏ.

Sáu năm trước, khi tham gia trình bày tại hội thảo về biến đổi khí hậu ở TP HCM, tôi gặp Takeshi - đại diện phát triển dự án cho tập đoàn hàng đầu thế giới của Nhật Bản về đốt rác phát điện. Đã vài tháng qua, anh và cộng sự thúc đẩy đầu tư một dự án xử lý rác thân thiện môi trường cho Thành phố và vẫn loay hoay ở khâu thủ tục đề xuất đầu tư. Sau vài lần trao đổi, Takeshi đề nghị tập đoàn mời tôi làm tư vấn độc lập phát triển dự án. Tôi đồng ý vì muốn tham gia hiện thực hóa dự án ý nghĩa này cho Việt Nam.

Đốt rác phát điện là lĩnh vực vừa chịu sự quản lý của ngành môi trường, vừa chịu sự quản lý của ngành năng lượng. Để có địa điểm và được cấp rác đầu vào, doanh nghiệp phải làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường. Để bán điện lên lưới, chúng tôi phải làm việc với Sở Công thương và Tập đoàn Điện lực EVN. Tiếp đó, chúng tôi phải làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư về hồ sơ đề xuất đầu tư. Sở Tài nguyên Môi trường sau đó lại phụ trách thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chưa hết, dự án có thể bị yêu cầu thẩm định công nghệ bởi Sở Khoa học Công nghệ. Tiếp đó, dù quy hoạch điện của TP HCM đã cho phép xây nhà máy đốt rác phát điện, chúng tôi cũng phải có xác nhận bằng văn bản của Sở Công thương rằng dự án đề xuất là phù hợp quy hoạch. Đó là chưa kể nhà đầu tư có thể phải làm việc với cấp bộ về những vấn đề ngoài thẩm quyền của Thành phố.

Nghe tôi liệt kê thủ tục như trên, Takeshi dụi mắt bảo rằng anh "thấy choáng váng". Tôi bảo thà cho anh biết trước khó khăn còn hơn để bị động. Y như rằng, suốt gần một năm, tôi và nhóm của anh miệt mài đi từ sở này đến cơ quan khác, liên tục gởi văn bản, họp, ghi biên bản, rồi lặp lại cái vòng ấy. Tôi khâm phục người Nhật có tính kiên nhẫn và cẩn thận. Mọi diễn biến cuộc họp đều được Takeshi ghi lại chi tiết rồi nhờ đối tác xem lại đã đúng ý chưa trước khi gửi báo cáo cấp trên.

"Mình cứ lòng vòng mãi thế này chẳng đi đến đâu", tôi nói với Takeshi khi cả hai đang ngồi ăn tối. Anh cười buồn: "Tôi biết, nhưng trách nhiệm tôi phải làm. Đã có vài người khuyên tôi nên chạy chỗ này chỗ nọ, nhưng đạo đức nghề nghiệp và sự liêm chính của công ty không cho phép làm việc đó". Anh hỏi, con đường chúng tôi đang đi có gì sai không. Tôi xin lỗi Takeshi. "Con đường anh đi không có gì sai, nhưng nó không dẫn tới đích. Cá nhân tôi tự thấy xấu hổ vì điều đó", tôi bảo.

Vài tháng sau, Tập đoàn gọi Takeshi quay về Tokyo, bỏ lại đằng sau ước mơ tốt đẹp về một công trình biểu tượng môi trường cho sự hợp tác Việt Nam - Nhật Bản.

Có bao nhiêu người nước ngoài chân chính như Takeshi đã từng bó tay với thủ tục đầu tư nghiêm túc theo con đường liêm chính tại Việt Nam? Tôi tin con số ấy không hề nhỏ. Nói cho đúng, chúng tôi cũng gặp nhiều công chức rất gương mẫu và sẵn sàng trợ giúp nhà đầu tư. Tuy vậy, trong một ma trận bị giằng co bởi nhiều thứ không thể gọi tên, chúng tôi đã không đủ nhẫn nại.

Trong vài năm công tác tại một quỹ đầu tư ở Việt Nam, tôi từng tiếp xúc rất nhiều những người mang dự án đến mời gọi hợp tác. Gọi là dự án cho oai, nhưng thật ra cái mà họ có nhiều lắm là tờ giấy phép đầu tư. Đội ngũ chuyên môn kỹ thuật không có, kinh nghiệm không có, và quan trọng nhất, nguồn vốn đầu tư không có. Cái duy nhất họ có là quan hệ. Ý nghĩa của "đầu tư" trong quan niệm của nhiều người, chỉ là "đầu tư quan hệ".

Ví dụ mới đây về đầu tư quan hệ là Công ty Hoa Tháng Năm được giao 5.000 m2 đất vàng chỉ sau 4 tháng thành lập, dù hoàn toàn không có kinh nghiệm, năng lực và chưa thực hiện bất kỳ dự án bất động sản nào trước đó. Ví dụ khác là lỗ hổng lớn về cơ chế "xin-cho" trong phát triển năng lượng. Nhiều nhà đầu tư yếu kém về năng lực vẫn giành được những dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, rồi nhanh chóng sang tay cho nhà đầu tư ngoại kiếm lời. Gần đây là thông tin liên quan đến dự án điện gió Biển Cổ Thạch có vốn đầu tư lên tới 4,4 tỷ USD của Công ty HLP Invest ở Bình Thuận mà Thủ tướng đang giao Bộ Công Thương làm rõ.

Tôi thử gõ từ khóa "chạy dự án", gần 52 triệu kết quả, bằng khoảng một nửa số dân Việt Nam. Nhiều ý kiến xếp nó vào nhóm "văn hóa chạy". Trên đường chạy đó, khi không thể tiếp đích trực tiếp, người ta phải dùng đường vòng. Các vụ mua bán, sáp nhập dự án điện mặt trời đã vận hành vừa qua chính là kiểu đi tắt đó. Hàng chục năm làm việc trong lĩnh vực năng lượng và môi trường, tôi thấy không phải nhà đầu tư nào cũng muốn đầu tư trực tiếp và tham gia phát triển dự án ngay từ đầu. Song điều đáng nói là nhiều người muốn đầu tư một cách chính trực thì không thể, như Takeshi.

Người lần không ra, kẻ ăn không hết. Trong khi những nhà đầu tư quốc tế có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm đầy mình quay cuồng tìm dự án để đầu tư tại Việt Nam thì lại có nhiều người đang nắm hàng loạt dự án chỉ để sang tay kiếm lời. Những cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ, thị trường trở nên méo mó, và hình ảnh về một môi trường đầu tư cởi mở tại Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng ít nhiều. Chưa kể, thị trường ngầm đầu cơ dự án còn có thể cản trở quy hoạch hạ tầng. Nhà nước bị thất thu, người dân tiếp tục bị trả giá cao cho nhiều dịch vụ hạ tầng, trong khi tiền âm thầm chảy vào túi những kẻ mua - bán quan hệ.

Thủ tướng vừa quyết định lập tổ công tác đặc biệt và đề án thu hút FDI để đón dòng vốn toàn cầu sau đại dịch. Một số ý kiến hồ hởi và hy vọng, nhưng có lẽ sự khấp khởi hơi vội vàng. Bởi thu hút đầu tư không phải câu chuyện "vụ mùa" mà là một chiến lược đường dài, cần nhiều công sức và nghiêm cẩn. Điều đầu tiên có thể làm ngay, đã được nói trong nhiều năm, là xóa bỏ hoàn toàn cơ chế xin-cho trong đầu tư dự án; đồng thời cương quyết áp dụng cơ chế đấu thầu cạnh tranh công khai khi tuyển nhà đầu tư. Dĩ nhiên, cơ chế đấu thầu đó minh bạch theo các chuẩn mực tốt nhất mà thế giới đang làm, không phải kiểu đấu thầu "chân gỗ", "sân sau", hay "trúng thầu bất ngờ".

Đấu thầu cạnh tranh đã được quốc tế chứng minh là công cụ hữu hiệu để giảm giá điện. Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA) cho biết, đấu thầu tuyển chọn nhà đầu tư đã được hơn 100 quốc gia áp dụng, nhưng Việt Nam vẫn trong số ít quốc gia thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo song chưa áp dụng cơ chế này. Hệ quả, Việt Nam đang mua điện mặt trời và điện gió với giá hơn gấp hai lần giá mà nhiều nước đang mua. Mới tháng trước, Ấn Độ chọn được nhà đầu tư điện mặt trời chỉ với giá chưa đến 760 Đồng/kWh, so với giá mua của Việt Nam là 1.644 Đồng/kWh.

Đấu thầu tuyển chọn nhà đầu tư tại Việt Nam chỉ mới được áp dụng thử nghiệm bước đầu trong vài năm qua và vừa được điều chỉnh bằng Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020. Tuy vậy, cơ chế này nếu áp dụng rộng rãi cho mọi dự án hạ tầng và không chỉ giới hạn chủ yếu cho phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) và vài loại dự án khác như hiện nay thì mới phát huy được hiệu quả.

Một khi cơ chế xin-cho còn tồn tại dưới nhiều hình thức và ngày càng "tinh tế" hơn, hy vọng về việc hết tham nhũng, hối lộ, chạy dự án hay đầu cơ dự án vẫn là đề tài thời sự trên nghị trường Quốc hội mỗi năm hai lần. Một bị cáo trong vụ án nâng điểm thi ở Hòa Bình mới nói: "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật". Câu nói thật này không chỉ đúng với môi trường giáo dục.


Nguyễn Đăng Anh Thi
Chuyên gia Năng lượng và Môi trường