Wednesday 14 October 2020

Bước đi nào cho Apple trong thời gian tới ?

 Apple đang bước theo đúng lỗi lầm mà Steve Jobs từng cảnh báo cách đây 25 năm?

Vào năm 1995, nhà sáng lập Steve Jobs đã có cuộc phỏng vấn thừa nhận mình từng thăm quan và có được nhiều ý tưởng từ trung tâm nghiên cứu của hãng máy in Xerox. Trong buổi phỏng vấn này tỷ phú Jobs cho rằng Xerox đã mắc sai lầm trong chiến lược quản lý, qua đó đưa một tập đoàn máy in với những công nghệ nền tảng tạo nên thành công cho Microsoft cũng như Apple, đến vực sâu phá sản.

Như chúng ta đã biết, cả nhà sáng lập Apple Steve Jobs lẫn Microsoft Bill Gates đều thừa nhận lấy ý tưởng từ trung tâm nghiên cứu PARC của hãng máy in Xerox. Trên thực tế các nhân viên nghiên cứu của PARC đã thành công tạo ra những công nghệ tiền đề cho máy tính cá nhân và nhiều kỹ thuật hiện đại ngày này, nhưng Xerox lại chỉ quan tâm đến máy in và chẳng hiểu thành quả trên là gì.

Hệ quả là khi Steve Jobs lẫn Bill Gates tiếp cận được các công nghệ này, họ nhanh chóng nhận ra mình đã vớ được mỏ vàng, từ đó phát triển nên những ông lớn như Microsoft hay Apple trong thập niên 1990.

Cái bẫy quản lý

Theo Jobs, các tập đoàn lớn khi đã khống chế thị trường và gần như trở thành độc quyền sẽ rất dễ rơi vào bẫy quản lý. Với những hãng sản xuất đồ uống như Pepsi, sản phẩm của họ không có gì nhiều để cải tiến về công nghệ và thường mỗi 10 năm họ mới cần thay đổi lớn về bao bì. Người làm nên thành công chính cho Pepsi không phải các trung tâm nghiên cứu mà là những nhà bán hàng, chiến lược gia marketing…

Thế nhưng với những hãng từng trở nên gần như độc quyền như IBM hay Xerox, việc giá cổ phiếu tăng mạnh ở mức cao khiến công ty quên mất điểm cốt lõi làm nên thành công của họ là gì. Khi đã quá thành công với một sản phẩm, công ty bắt đầu ngại thay đổi bởi chỉ cần một thất bại cũng có thể hạ giá cổ phiếu và làm phật lòng cổ đông.

Bởi vậy, những người làm nên thành công và được lòng các nhà quản lý ở những công ty độc quyền này giờ đây lại là các nhà bán lẻ, những chiến lược gia marketing… chứ không phải các chuyên gia nghiên cứu.

Kể từ đây, những người hiểu về sản phẩm, những chuyên gia nghiên cứu cải tiến sản phẩm bị loại dần khỏi các cuộc họp quan trọng cũng như mất dần quyền biểu quyết cho các sự kiện trọng đại của công ty. Doanh nghiệp dần dần quên mất điều gì khiến sản phẩm của họ trở nên thú vị và đây là điểm chết người với những hãng công nghệ.

Khi những nhà bán lẻ, chuyên gia marketing, giám đốc tài chính… dần được các cổ đông ưa thích và nắm quyền ra quyết định của công ty thay vì những nhân viên nghiên cứu, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng mất dần khả năng phân biệt giữa một sản phẩm tốt và một sản phẩm tệ.

Thậm chí Jobs cho rằng doanh nghiệp cũng sẽ mất dần định hướng muốn thực sự giúp đỡ khách hàng, muốn một sản phẩm tốt nhất cho người mua. Tất cả những gì ban lãnh đạo hướng tới sẽ chỉ còn là lợi nhuận và cổ đông.

Câu chuyện của Xerox cũng tương tự, các nhà quản lý của hãng máy in này chỉ quan tâm đến sản phẩm chính mà bỏ lỡ công nghệ vàng mà trung tâm nghiên cứu PARC tạo ra. Khi được xem những sản phẩm mới, họ thậm chí chẳng hiểu gì và vứt xó các công nghệ này.

"Chỉ sau 1 giờ nhìn vào các số liệu, kỹ thuật viên của Apple đã hiểu được công nghệ cũng như ý nghĩa của nó hơn bất kỳ giám đốc Xerox nào dù chúng tôi đã cố giải thích cho họ rất nhiều năm", Cựu chuyên gia Larry Tesler của PARC đánh giá.

Theo Jobs, Xerox đáng lẽ ra có thể tăng trưởng gấp 10 lần hoặc thậm chí trở thành một Microsoft của thập niên 1990 nếu như không dính phải cái bẫy quản lý. Trứ trêu thay, hiện nay Apple có vẻ cũng đang dần đi theo vết xe đổ này.

Apple chỉ còn là cái bóng của chính mình?

Vào giữa tháng 8/2020, tổng giá trị vốn hóa của Apple lần đầu vượt 2.000 tỷ USD nhưng họ đang ngày càng không thỏa mãn được người tiêu dùng. Trên thực tế, Apple đã cố gắng duy trì sự đổi mới (Innovation) cho sản phẩm của mình nhưng những người trung thành với táo khuyết đang ngày càng cảm thấy mất hứng thú.

Giờ đây doanh số của Apple trụ lại được chủ yếu là do chất lượng cũng như hình ảnh sang chảnh khi người tiêu dùng cầm một sản phẩm táo khuyết trên tay hơn là vì những trải nghiệm thú vị trước đây.

Trong vài năm trở lại đây, những chiếc Mac của Apple gần như chẳng có mấy thay đổi đem lại sự thú vị thực sự cho khách hàng. Tất nhiên họ cũng có những cải tiến mới như màn hình tràn, tai nghe không dây hay Apple Watch. Thế nhưng những thay đổi này là quá ít so với trước đây, chưa kể nhiều hãng di động như Samsung, Xiaomi, Huawei… cũng có những cải tiến tương tự nếu không muốn nói là đi trước cả Apple.

iPhone dù vẫn rất tuyệt nhưng không còn vượt trội ở vị trí số 1 thế giới. Doanh số đỉnh cao của sản phẩm này là từ năm 2015 và hiện Apple vẫn chưa thể vượt qua. Ipad hay Mac thì vẫn vậy, dù có nhiều tinh chỉnh nhưng hầu như chẳng khác mấy so với thời mới ra mắt.

Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng Apple đã buộc phải tăng giá sản phẩm vì doanh số theo đơn vị của hãng đi xuống, qua đó giữ được doanh thu và làm hài lòng cổ đông. Đây là lý do khiến các iPhone đời sau này càng ngày càng đắt hơn so với những đời trước.

Hiện nay Apple chủ yếu tập trung vào mảng dịch vụ với các gói phí thuê bao hàng năm. Một người dùng iPhone có thể cần thêm Apple TV+, Apple Music, mua thêm bộ nhớ iCloud… Nghe có vẻ nhàm chán nhưng nó lại ổn định và khá ổn với cổ đông khi giá cổ phiếu vẫn tăng.

Điều này hầu như đúng với những gì Steve Jobs lo sợ khi nói về các hãng công nghệ quá lớn để rồi sụp đổ. Sự độc quyền khiến công ty ngủ quên trên chiến thắng, khiến họ ngại thay đổi, quên mất sự khác biệt giữa sản phẩm tốt và xấu, loại bỏ dần những người làm nên điều thú vị cho sản phẩm, bỏ qua khách hàng để làm hài lòng cổ đông.

Những nhà đầu tư vào Apple năm 1998 chẳng biết 10 năm sau công ty sẽ thế nào nhưng những cổ đông hiện nay mong muốn giá cổ phiếu của họ sẽ giữ giá và tăng trưởng trong 10 năm tới. Bởi vậy ban quản lý Apple cần sự ổn định chứ không phải sự phấn khích từ những người trung thành với hãng.

Rõ ràng, sự ổn định này giúp Apple có được tình hình tài chính tốt hơn bao giờ hết nhưng những năm tháng phát cuồng về sự thú vị của Apple có lẽ đã qua. Người dùng hiện nay mua sản phẩm của Apple vì độ bền, vì sang chảnh hay vì những lý do khác mà chẳng liên quan đến sự thú vị của một công nghệ mới chào đời.

Friday 5 June 2020

Một đứa trẻ lớn lên như ong bướm hay ruồi nhặng, là do ai?

Có câu chuyện kể rằng, một đôi vợ chồng người châu Á trẻ vừa dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc ăn điểm tâm, người vợ thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi bên nhà bà ấy. "Tấm vải bẩn thật" - Cô vợ thốt lên. "Bà ấy không biết giặt, bà ấy vừa ngu và vừa lười". Ngày nào cũng vậy, cô nhìn bà hàng xóm phơi đồ và bảo là "hết muốn ăn, sao lại có người tệ đến thế nhỉ, bà ta đã làm hỏng bữa sáng của em". Một tháng sau, vào một buổi sáng, người vợ ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cô nói với chồng: "Bây giờ bà ấy đã biết cách giặt tấm vải rồi. Ai đã dạy bà ấy thế nhỉ?". Người chồng đáp: "Không. Sáng nay anh đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy".

Thực ra mỗi người trong chúng ta, ai cũng đều giống như cô vợ trong câu truyện kia. Chúng ta đang nhìn người qua lăng kính loang lổ những vệt màu của cảm xúc, bám dày lớp bụi bặm của thành kiến. Chúng ta trở nên phán xét, bực dọc và bất an trước những gì mà tự mình cho là "lỗi lầm của người khác". Một điều dễ nhận diện là khi tâm trạng vui vẻ, chúng ta nhìn ai cũng thấy dễ chịu, gặp chuyện gì cũng dễ thứ tha. Chúng ta có thể mỉm cười trước những trò nghịch ngợm của lũ trẻ, đủ khoan thứ để nhẫn nại một lời nói khó nghe, những chuyện tưởng chừng khó chấp nhận, thì chúng ta cũng dễ dàng thỏa hiệp. Những lúc ấy, dường như cả thế giới đều trở nên hòa ái, mọi chuyện trôi qua một cách nhẹ nhàng. Vậy mà, chỉ cần một chút lo lắng dâng lên trong lòng, những muộn phiền về quá khứ, nỗi sợ hãi về tương lai sẽ lập tức khiến cho cái thế giới vốn đang đẹp đẽ nhường kia liền biến thành một chốn đầy những chuyện xấu xa, phiền phức. Khi ấy những tiếng hò hét cười đùa của lũ trẻ sẽ trở thành những âm thanh khó chịu, một lời nói không vừa ý dễ dàng khiến cho ta sân giận hoặc tổn thương, những chuyện nhỏ mà lúc bình thường không đáng bận tâm, bỗng trở thành một nỗi phiền não quá sức chịu đựng.

Kỳ thực, không phải là thế giới có vấn đề, hay người khác quá sai quấy, mà vấn đề nằm chính ngay nơi tâm ta. Chúng ta luôn có xu hướng nhìn những thứ mình thích, những người mình thương với cặp mắt kính màu hồng, và ngược lại, nhìn những việc mình không muốn, những người mình không ưa bằng chiếc kính tiêu cực màu đen. Do thói quen phóng đại mọi ưu điểm của những người mình thích, họ trở nên quá lung linh, quá tuyệt vời trong cảm nhận của chúng ta. Mỗi lời họ nói, mỗi việc họ làm đều khiến chúng ta xem là chân lý, ngay cả lúc họ sai, chúng ta cũng khó lòng nhìn nhận cho thông suốt. Ví như những cặp đôi khi mới yêu nhau, thì riêng đối với họ, đối phương luôn đẹp đẽ, dễ thương và toàn ưu điểm. Để rồi khi sự yêu thích bên trong mình giảm sút, thì hình tượng trong lòng cũng theo đó mà sụp đổ, rồi đi kể cho người bạn thân nghe để trút hết nỗi lòng, để tìm đồng minh. Chúng ta nhìn ra ở đối phương ngày càng nhiều lỗi lầm và khuyết điểm, thật sự là do chúng ta đang xấu xí dần dần chứ đối phương vẫn vậy. Bà hàng xóm vẫn phơi đồ giống nhau mỗi ngày, chỉ là tấm kính nhà mình đang bẩn hay sạch mà thôi.

Khi nói lỗi ở người khác, chúng ta vô tình truyền sang người nghe những cảm xúc tiêu cực, bất an. Dòng tâm thức của chúng ta cũng trở nên lộn xộn, đầy những rắc rối y như câu chuyện mà mình đang kể. Rồi một cách rất tự nhiên, họ sẽ áp dụng đúng sự phê phán, soi xét đó trở lại cho ta. Để trẻ con nghe chuyện mình chê 1 người khác, là một cách giáo dục sai lầm lớn. Lớn lên, đứa trẻ ấy sẽ chỉ quen dòng văn học "hiện thực phê phán", điều này vô cùng nguy hiểm. Dòng văn học của người sang trọng quý phái là dòng văn học nhân ái, dòng văn học lãng mạn, dòng văn học của sự khen ngợi và yêu thương.

Xét cho cùng, lỗi lầm (là do mình nghĩ chứ chưa chắc họ vậy) dù của ai cũng chẳng hề ảnh hưởng đến tư cách của chúng ta. Nó chắc chắn không làm cho chúng ta trở nên đẹp đẽ gì hơn khi phê phán người. Tìm lỗi của người khác, tìm điểm xấu của người khác, là tự đem rác rưởi của họ về cất trong nhà. Mỗi phút chúng ta để tâm đến chuyện không tốt, thì mất đi một phút vui vẻ không thể lấy lại. Cuộc đời này ngắn lắm, sẽ chẳng ai có khả năng và trách nghiệm níu giữ cho ta những thời khắc sinh mệnh đang vùn vụt trôi qua. Cách mà chúng ta nhìn người khác, thực chất là đang phản ánh nội tâm của chính mình. Một người đang túng thiếu sẽ thấy khó chịu với những ai dư giả. Một người sân hận sẽ luôn thấy người khác công kích mình. Một người không thành thật sẽ thấy mọi người đầy xảo trá. Người không có đức tin thì luôn nghi ngờ. Tất cả những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực đó, đều khởi sinh từ một tâm thức thiếu bình an, và tự yêu bản thân mình quá lớn, một sự giáo dưỡng ích kỷ khi còn nhỏ. Sống với ong bướm thì sẽ thấy toàn mật ngọt hoa thơm, sống với ruồi nhặng thì thấy ở đâu cũng toàn rác. Nếu bạn đang sống với 1 đứa trẻ, đừng bao giờ chê người khác, vì dù muốn dù không, chúng sẽ nghe. Và rồi lớn lên, chúng sẽ có thói quen chê người. Và điều đó khiến chúng đau khổ, không thành công về mặt sự nghiệp do không có nhiều người muốn tiếp xúc. Do năng lượng âm, năng lượng tiêu cực sẽ loại trừ mất sự hào hứng, sự vui vẻ, năng lượng dương, sự sáng tạo của người khác. Xã hội châu Á thường ít sáng tạo ở phương Tây cũng là do những tháng ngày miệt mài với dòng văn học "hiện thực phê phán", ngay cả nhận xét của thầy cô cũng đã nhuốm màu tiêu cực với câu "lời phê của giáo viên" trong bài kiểm tra.

Nếu giáo dục 1 đứa trẻ vẫn để "lời phê" trong bài kiểm tra thì mặc định đứa trẻ ấy có gì đó kém cỏi. Bạn hãy cố gắng tìm cái hay riêng của mỗi người mà khen, không khen được thì im lặng, điều đó sẽ tốt hơn cho bạn và cho cả xã hội, cho cả loài người.

(Bài sưu tầm, không rõ tác giả)

Thursday 4 June 2020

Lưng gù, lưng thẳng

Hơn năm trời loay hoay với thủ tục đầu tư dự án đốt rác phát điện cho TP HCM, tôi và Takeshi đành từ bỏ.

Sáu năm trước, khi tham gia trình bày tại hội thảo về biến đổi khí hậu ở TP HCM, tôi gặp Takeshi - đại diện phát triển dự án cho tập đoàn hàng đầu thế giới của Nhật Bản về đốt rác phát điện. Đã vài tháng qua, anh và cộng sự thúc đẩy đầu tư một dự án xử lý rác thân thiện môi trường cho Thành phố và vẫn loay hoay ở khâu thủ tục đề xuất đầu tư. Sau vài lần trao đổi, Takeshi đề nghị tập đoàn mời tôi làm tư vấn độc lập phát triển dự án. Tôi đồng ý vì muốn tham gia hiện thực hóa dự án ý nghĩa này cho Việt Nam.

Đốt rác phát điện là lĩnh vực vừa chịu sự quản lý của ngành môi trường, vừa chịu sự quản lý của ngành năng lượng. Để có địa điểm và được cấp rác đầu vào, doanh nghiệp phải làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường. Để bán điện lên lưới, chúng tôi phải làm việc với Sở Công thương và Tập đoàn Điện lực EVN. Tiếp đó, chúng tôi phải làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư về hồ sơ đề xuất đầu tư. Sở Tài nguyên Môi trường sau đó lại phụ trách thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chưa hết, dự án có thể bị yêu cầu thẩm định công nghệ bởi Sở Khoa học Công nghệ. Tiếp đó, dù quy hoạch điện của TP HCM đã cho phép xây nhà máy đốt rác phát điện, chúng tôi cũng phải có xác nhận bằng văn bản của Sở Công thương rằng dự án đề xuất là phù hợp quy hoạch. Đó là chưa kể nhà đầu tư có thể phải làm việc với cấp bộ về những vấn đề ngoài thẩm quyền của Thành phố.

Nghe tôi liệt kê thủ tục như trên, Takeshi dụi mắt bảo rằng anh "thấy choáng váng". Tôi bảo thà cho anh biết trước khó khăn còn hơn để bị động. Y như rằng, suốt gần một năm, tôi và nhóm của anh miệt mài đi từ sở này đến cơ quan khác, liên tục gởi văn bản, họp, ghi biên bản, rồi lặp lại cái vòng ấy. Tôi khâm phục người Nhật có tính kiên nhẫn và cẩn thận. Mọi diễn biến cuộc họp đều được Takeshi ghi lại chi tiết rồi nhờ đối tác xem lại đã đúng ý chưa trước khi gửi báo cáo cấp trên.

"Mình cứ lòng vòng mãi thế này chẳng đi đến đâu", tôi nói với Takeshi khi cả hai đang ngồi ăn tối. Anh cười buồn: "Tôi biết, nhưng trách nhiệm tôi phải làm. Đã có vài người khuyên tôi nên chạy chỗ này chỗ nọ, nhưng đạo đức nghề nghiệp và sự liêm chính của công ty không cho phép làm việc đó". Anh hỏi, con đường chúng tôi đang đi có gì sai không. Tôi xin lỗi Takeshi. "Con đường anh đi không có gì sai, nhưng nó không dẫn tới đích. Cá nhân tôi tự thấy xấu hổ vì điều đó", tôi bảo.

Vài tháng sau, Tập đoàn gọi Takeshi quay về Tokyo, bỏ lại đằng sau ước mơ tốt đẹp về một công trình biểu tượng môi trường cho sự hợp tác Việt Nam - Nhật Bản.

Có bao nhiêu người nước ngoài chân chính như Takeshi đã từng bó tay với thủ tục đầu tư nghiêm túc theo con đường liêm chính tại Việt Nam? Tôi tin con số ấy không hề nhỏ. Nói cho đúng, chúng tôi cũng gặp nhiều công chức rất gương mẫu và sẵn sàng trợ giúp nhà đầu tư. Tuy vậy, trong một ma trận bị giằng co bởi nhiều thứ không thể gọi tên, chúng tôi đã không đủ nhẫn nại.

Trong vài năm công tác tại một quỹ đầu tư ở Việt Nam, tôi từng tiếp xúc rất nhiều những người mang dự án đến mời gọi hợp tác. Gọi là dự án cho oai, nhưng thật ra cái mà họ có nhiều lắm là tờ giấy phép đầu tư. Đội ngũ chuyên môn kỹ thuật không có, kinh nghiệm không có, và quan trọng nhất, nguồn vốn đầu tư không có. Cái duy nhất họ có là quan hệ. Ý nghĩa của "đầu tư" trong quan niệm của nhiều người, chỉ là "đầu tư quan hệ".

Ví dụ mới đây về đầu tư quan hệ là Công ty Hoa Tháng Năm được giao 5.000 m2 đất vàng chỉ sau 4 tháng thành lập, dù hoàn toàn không có kinh nghiệm, năng lực và chưa thực hiện bất kỳ dự án bất động sản nào trước đó. Ví dụ khác là lỗ hổng lớn về cơ chế "xin-cho" trong phát triển năng lượng. Nhiều nhà đầu tư yếu kém về năng lực vẫn giành được những dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, rồi nhanh chóng sang tay cho nhà đầu tư ngoại kiếm lời. Gần đây là thông tin liên quan đến dự án điện gió Biển Cổ Thạch có vốn đầu tư lên tới 4,4 tỷ USD của Công ty HLP Invest ở Bình Thuận mà Thủ tướng đang giao Bộ Công Thương làm rõ.

Tôi thử gõ từ khóa "chạy dự án", gần 52 triệu kết quả, bằng khoảng một nửa số dân Việt Nam. Nhiều ý kiến xếp nó vào nhóm "văn hóa chạy". Trên đường chạy đó, khi không thể tiếp đích trực tiếp, người ta phải dùng đường vòng. Các vụ mua bán, sáp nhập dự án điện mặt trời đã vận hành vừa qua chính là kiểu đi tắt đó. Hàng chục năm làm việc trong lĩnh vực năng lượng và môi trường, tôi thấy không phải nhà đầu tư nào cũng muốn đầu tư trực tiếp và tham gia phát triển dự án ngay từ đầu. Song điều đáng nói là nhiều người muốn đầu tư một cách chính trực thì không thể, như Takeshi.

Người lần không ra, kẻ ăn không hết. Trong khi những nhà đầu tư quốc tế có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm đầy mình quay cuồng tìm dự án để đầu tư tại Việt Nam thì lại có nhiều người đang nắm hàng loạt dự án chỉ để sang tay kiếm lời. Những cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ, thị trường trở nên méo mó, và hình ảnh về một môi trường đầu tư cởi mở tại Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng ít nhiều. Chưa kể, thị trường ngầm đầu cơ dự án còn có thể cản trở quy hoạch hạ tầng. Nhà nước bị thất thu, người dân tiếp tục bị trả giá cao cho nhiều dịch vụ hạ tầng, trong khi tiền âm thầm chảy vào túi những kẻ mua - bán quan hệ.

Thủ tướng vừa quyết định lập tổ công tác đặc biệt và đề án thu hút FDI để đón dòng vốn toàn cầu sau đại dịch. Một số ý kiến hồ hởi và hy vọng, nhưng có lẽ sự khấp khởi hơi vội vàng. Bởi thu hút đầu tư không phải câu chuyện "vụ mùa" mà là một chiến lược đường dài, cần nhiều công sức và nghiêm cẩn. Điều đầu tiên có thể làm ngay, đã được nói trong nhiều năm, là xóa bỏ hoàn toàn cơ chế xin-cho trong đầu tư dự án; đồng thời cương quyết áp dụng cơ chế đấu thầu cạnh tranh công khai khi tuyển nhà đầu tư. Dĩ nhiên, cơ chế đấu thầu đó minh bạch theo các chuẩn mực tốt nhất mà thế giới đang làm, không phải kiểu đấu thầu "chân gỗ", "sân sau", hay "trúng thầu bất ngờ".

Đấu thầu cạnh tranh đã được quốc tế chứng minh là công cụ hữu hiệu để giảm giá điện. Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA) cho biết, đấu thầu tuyển chọn nhà đầu tư đã được hơn 100 quốc gia áp dụng, nhưng Việt Nam vẫn trong số ít quốc gia thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo song chưa áp dụng cơ chế này. Hệ quả, Việt Nam đang mua điện mặt trời và điện gió với giá hơn gấp hai lần giá mà nhiều nước đang mua. Mới tháng trước, Ấn Độ chọn được nhà đầu tư điện mặt trời chỉ với giá chưa đến 760 Đồng/kWh, so với giá mua của Việt Nam là 1.644 Đồng/kWh.

Đấu thầu tuyển chọn nhà đầu tư tại Việt Nam chỉ mới được áp dụng thử nghiệm bước đầu trong vài năm qua và vừa được điều chỉnh bằng Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020. Tuy vậy, cơ chế này nếu áp dụng rộng rãi cho mọi dự án hạ tầng và không chỉ giới hạn chủ yếu cho phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) và vài loại dự án khác như hiện nay thì mới phát huy được hiệu quả.

Một khi cơ chế xin-cho còn tồn tại dưới nhiều hình thức và ngày càng "tinh tế" hơn, hy vọng về việc hết tham nhũng, hối lộ, chạy dự án hay đầu cơ dự án vẫn là đề tài thời sự trên nghị trường Quốc hội mỗi năm hai lần. Một bị cáo trong vụ án nâng điểm thi ở Hòa Bình mới nói: "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật". Câu nói thật này không chỉ đúng với môi trường giáo dục.


Nguyễn Đăng Anh Thi
Chuyên gia Năng lượng và Môi trường

Friday 29 May 2020

Lý thuyết con gián

Sundar Pichai bắt đầu gia nhập Google từ năm 2004, và được bổ nhiệm làm CEO của Google từ 2015, rồi CEO của Alphabet, công ty mẹ của Google, từ 2019. Tại Google và Alphabet, Sundar luôn nổi tiếng là một người lãnh đạo có tầm nhìn và nhân cách lớn.
Tony rất thích Lý Thuyết Con Gián của Sundar.
Có thể hiểu phần nào lý thuyết này qua bài diễn thuyết mà ông từng phát biểu:
“Ở nhà hàng nọ, có một con gián vô tình đậu lên một quý cô. Cô ta hét lên trong sợ hãi. Với khuôn mặt kinh hoàng và giọng nói run rẩy, cô bắt đầu nhảy dựng lên, hai tay cố gắng xua con gián đi.
Phản ứng của cô ấy dần lan truyền đến những thực khách khác trong nhà hàng. Khi cô vừa mới xua được con gián đi, thì ngay lập tức con gián liền đậu lên một quý cô khác. Giờ thì đến lượt quý cô này tiếp tục diễn lại màn vừa nãy từ quý cô đầu tiên.
Anh phục vụ bàn lao đến như một anh hùng giải cứu mỹ nhân. Trong lúc hoảng loạn, con gián tiếp tục đậu lên anh. Không một chút sợ hãi, anh bình tĩnh quan sát con gián. Đợi khi thời cơ đã chín muồi, anh nhẹ nhàng dùng tay nắm con gián và ném nó ra khỏi nhà hàng.
Nhâm nhi ly cafe và chứng kiến vở hài kịch, trong đầu tôi bỗng loé lên một vài suy nghĩ và bắt đầu tự hỏi, liệu con gián có phải là căn nguyên cho màn kịch của hai quý cô kia?
Nếu điều đó là sự thật, tại sao anh phục vụ bàn lại không hề bị ảnh hưởng? Anh ấy đã bình tĩnh xử lý tình huống một cách hoàn hảo, dập tắt sự hỗn loạn trước đó.
Nhìn qua, chúng ta dễ lầm tưởng rằng, sự hỗn loạn là do con gián mang lại. Nhưng qua cách xử lý của người bồi bàn, chúng ta nhận ra điều đó không đúng. Sự hỗn loạn thực tế đã được tạo ra bởi những hành động của các quý bà đối với con gián, chứ không phải bản thân con gián.”
Trong cuộc sống, Tony thấy những điều không mong muốn vẫn luôn xảy ra. Nhỏ thì là tắc đường, quên đồ. Hay lớn hơn là cãi nhau với bố mẹ, với vợ, hay với cả sếp. Bản thân chúng chưa phải là vấn đề, chính thái độ và cách xử lý không thích hợp của chúng ta mới thực sự biến chúng thành vấn đề.
Ai nghiên cứu về chủ nghĩa Khắc Kỷ (Stoicism) chắc đều biết rằng một trong những giá trị giá trị cốt lõi của chủ nghĩa này là: Chúng ta có thể tác động lên thế giới xung quanh ta. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể kiểm soát được những điều chúng ta nghĩ hay cảm nhận, nhưng chúng ta luôn có thể kiểm soát được cái cách mà chúng ta phản ứng với mọi thứ trong cuộc sống.
Điều này làm Tony nhớ đến câu danh ngôn yêu thích từ mục sư Charles R. Swindoll: “Life is 10% what happens to you and 90% how you react to it.”
10% của cuộc sống bao gồm những điều xảy ra, và 90% còn lại do cái cách mà bạn phản ứng với 10% kia 😀

Tony Ha,
Director of Global Development - Haravan

Saturday 18 April 2020

Cẩn thận với Chloroquine

Trên facebook, tôi đọc được tin một số người mua trữ chloroquine sẵn để chữa viêm phổi Wuhan, nếu chẳng may họ mắc phải. Lại có người khuyên nên uống Chloroquine để phòng ngừa nhiễm Wuhan coronavirus. Tình hình sẽ nghiêm trọng hơn khi có thông tin FDA phê chuẩn cho việc điều trị bệnh viêm phổi Wuhan bằng Chloroquine.
Còn nhớ hồi tôi sinh viên và khi mới ra trường, có mấy cái tên luôn ám ảnh tôi, đó là Nông trường Sông Ray, Huyện Tánh Linh, và huyện Đức Linh, Bình thuận. Trong khi huyện Đức Linh, Bình Thuận thường xuyên có những ca chấn thương cột sống do té giếng, thì huyện Tánh Linh, và đặc biệt là Nông trường Sông Ray, lại thường xuyên có bệnh nhân sốt rét ác tính thể não.
Có lúc tôi nghĩ, không biết cái Nông trường Sông Ray này lớn bao nhiêu, nhưng chắc nó phải có nhiều công nhân lắm, vì có những giai đoạn, gần như ngày nào cũng có người chết vì sốt rét ác tính thể não, ngày thì một người, ngày thì vài người, mà ngày nào cũng đổ về ùn ùn.
Hồi đó chưa có Artesunate, và Chloroquine được coi là thuốc có tác dụng tốt nhất để chữa sốt rét. Thậm chí, tôi còn nghe nói một số bác sĩ đi vào vùng tâm dịch sốt rét còn được uống sẵn Chloroquine để phòng ngừa. Nhưng Cloroquine không phải là thuốc vô hại.
Đa số những bệnh nhân sốt rét nặng tôi gặp hồi đó đều có tán huyết, đái huyết sắc tố, rồi suy gan, suy thận, rồi tử vong. Sau khi ra trường, tôi theo chuyên khoa Ngoại Thần kinh, không tìm hiểu về chuyên ngành nhiễm, nên không rõ cơ chế lắm. Nhưng một công việc mà hồi tôi còn sinh viên thấy các anh chị bác sĩ trực hay làm, là xác định xem việc tán huyết này có phải là do chloroquine gây ra hay không.
Nói chung, trong đầu tôi luôn in đậm một ấn tượng với Chloroquine, là nó dễ gây ra tán huyết, suy gan, suy thận và tử vong. Tán huyết là trường hợp các tế bào máu bị vỡ ra, gây ra thiếu máu cấp. Đó là một trong các tình trạng nguy kịch đến tính mạng đặc biệt nghiêm trọng.
Lại nhớ hồi sinh viên ở nước ngoài. Có anh bạn người nước nào đó có bạn gái mang bầu, mà ở đó thì khó mà “kế hoạch”, nên họ tìm cách phá lậu. Chẳng biết ai chỉ mà anh bạn tôi tìm kí ninh, một loại thuốc chống sốt rét khác. Vì biết tôi là từ Việt nam, nơi có nhiều bệnh sốt rét và tìm mua kí ninh (Quinine) khá dễ dàng, nên anh bạn hỏi tôi có kiếm được không.
Tất nhiên là tôi không thể kiếm được. Chừng 2 tuần sau anh bạn thông báo xong rồi. Không biết anh kiếm được kí ninh từ nguồn nào, nhưng anh ấy khen kí ninh quá trời. Còn tôi, kể từ sau vụ đó, tôi không dám uống nước tonic, một loại nước giải khát đóng chai có pha kí ninh, có vị đắng, rất được ưa chuộng, và mang tính thời thượng.
Đa phần thuốc đều là thuốc độc. Dù là thuốc tây, tàu, nam, bắc gì thì cũng vậy. Ở liều này nó cứu người, nhưng ở liều khác nó giết người. Dùng như thế này thì nó chữa bệnh, nhưng dùng như thế khác thì nó gây bệnh. Ngay cả khi nó chữa hết bệnh, nó cũng có thể để lại những di chứng mà suốt đời người bệnh phải gánh chịu. Chỉ có các bác sĩ được đào tạo sâu về chuyên ngành, có kinh nghiệm với việc sử dụng từng loại thuốc, mới có thể cho thuốc mà hạn chế bớt tác hại của nó gây ra.
Nói tóm lại, Chloroquine là thuốc độc, rất độc. Nên hãy cẩn thận với nó nếu bạn muốn phòng ngừa nhiễm Wuhan coronavirus. Và luôn cần hướng dẫn của bác sĩ thuộc chuyên ngành đó. Ngay bản thân tôi, nếu muốn dùng, tôi cũng sẽ phải hỏi các bác sĩ chuyên khoa, chứ không dám tự chỉ định, tự uống.

VXS

Một pha đánh úp giữa đêm khuya

Ngay sau khi có công văn của Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu gạo với số lượng 400 ngàn tấn trong tháng 4, lập tức số lượng xuất khẩu được các doanh nghiệp đăng ký đầy đủ trong vòng 3 tiếng đồng hồ.
Tổng cục Hải Quan (TCHQ) mở hồ sơ đăng ký xuất khẩu gạo từ 0g ngày 12.4 thì đến 3g sáng đã có 399.989 tấn gạo được đăng ký xuất khẩu. Điều đáng nói, theo công văn số 2581 vào ngày 10.4 của Bộ Công Thương thì việc công bố hạn ngạch trong xuất khẩu gạo có hiệu lực từ 0g ngày 11.4. Vậy là đến khi triển khai tới TCHQ thì chủ trương lại trễ thêm một ngày, nhận đăng ký từ nửa đêm ngày 12.4.
Khi vừa có công văn của Bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp phấp phỏng thức đêm chờ đợi để đăng ký hạn ngạch. Đêm 11.4 trôi qua trong yên lặng, chúc các bạn một giấc mơ đẹp, ai thức ráng mất ngủ. Và, hôm sau là tối thứ 7, thay vì dành cho tình yêu thì TCHQ bất ngờ mở đăng ký trong lặng lẽ. Thật ra, vẫn có người đăng ký để xuất được gạo, và đó hẳn là những doanh nghiệp lâu nay “biết ăn ở”.
Nếu không phải vậy thì tại sao 7 công ty ở Long An chỉ đăng ký được có 8.500 tấn gạo. Đến nỗi, trong công văn của Sở Công thương tỉnh Long An ngày 13.4 viết rõ việc mở đăng ký của TCHQ là “thông tin này không được thông tin rộng rãi chính thức trước đó”. Chỉ riêng một công ty Intimex đã chiếm xấp xỉ 1/4 tổng lượng gạo xuất khẩu. Hai công ty Phát Tài và Mỹ Tường là các công ty trúng thầu 1.900 tấn gạo cho kho dự trữ quốc gia để phục vụ an ninh lương thực nhưng họ “xù” không giao để rồi đột ngột đăng ký xuất đi 24.000 tấn gạo. Đó chính là thứ an ninh lương thực mà những kẻ dân tuý đang bám vào kêu gào suốt những ngày qua.
Điểm lại hết việc này, đó dường như là một trận đánh úp doanh nghiệp vào nửa đêm thứ 7. Chỉ trong 3 tiếng đã đầy hạn ngạch xuất khẩu. Dường như bên cấp phép và những bên được cấp phép đã có sự chuẩn bị phối hợp sẵn, mọi thứ diễn ra cấp tốc thần kỳ.
Không chỉ vậy, Hải quan còn thực hiện chiến thuật nghi binh đánh lạc hướng doanh nghiệp. Ngày 12.4, ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM đã phát biểu trên báo rằng: “Sớm nhất 13.4, Bộ Tài chính và TCHQ mới có văn bản hướng dẫn cho các tỉnh thành”. Thế rồi, đêm 12.4 TCHQ đã âm thầm mở xuất khẩu gạo khiến những doanh nghiệp trở tay không kịp. Và, kỳ lạ hơn, sau khi nghi binh đánh lạc hướng rồi âm thầm cho xuất đủ 400 ngàn tấn gạo, ngày 13.4 TCHQ lại ban hành văn bản đóng dấu “Mật” về công tác... hướng dẫn thủ tục xuất khẩu gạo. Xuất xong mới ban hành công văn hướng dẫn xuất. Quả là kỳ tài thông làu binh thư, từ nghi binh, đột kích, tung hoả mù để rút lui. Đúng là “một trận đánh đẹp”.
Việt Nam hiện có khoảng 180 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo. Qua sự kiện này và qua thời gian theo dõi càng thấy rõ việc xuất khẩu không phải bình đẳng với tất cả doanh nghiệp!
Còn vấn đề an ninh lương thực, thứ mà nhiều người cứ vịn vào đó để phản đối ý kiến xuất khẩu gạo, lại nằm trong tay những công ty phía Bắc, thuộc những tỉnh thuộc dạng... thiếu đói xưa nay. Ví dụ công ty Cao Lạng của Lạng Sơn.
Vấn đề xuất khẩu gạo cho thấy nhiều sự trái ngang được báo chí đã và đang lên tiếng trong suốt thời gian qua. Thậm chí cho đến khi nhận được chủ trương cho xuất khẩu của Thủ tướng thì doanh nghiệp còn gặp thêm một trận đánh úp vào nửa đêm thứ 7, khi lẽ ra đó là lúc tình yêu thăng hoa.

Khẩu trang chống bụi mịn KF94 Cleancare - Hansong (Hàn Quốc)


Khẩu trang chống bụi mịn KF94 Cleancare của hãng Hansong Hàn Quốc 

Với thiết kế cấu trúc phin lọc 4 lớp:
- Thiết kế 3D, ngăn rò rỉ bụi ở mọi hướng.
- Thiết kế dạng mỗi cái khẩu trang nằm trong một túi riêng lẻ, tiện lợi sử dụng, đảm bảo vệ sinh
- Thiết kế hình ôvan dạng gấp để có thể bỏ túi dễ dàng sau khi sử dụng
- Chất liệu vải không dệt không gây kích ứng da mặt, vật liệu cao cấp không bám bụi
Công dụng:
- Phòng được các bệnh lây nhiễm qua hô hấp và cản siêu bụi mịn PM2.5
- Công nghệ lọc tĩnh điện có thể lọc được đến 94% bụi bẩn
- Chất liệu vải không dệt không gây kích ứng da mặt, vật liệu cao cấp không bám bụi
- Không lem son môi, không mờ kính, quai đeo không bị đau tai
- Lọc không khí như khói bụi xe cộ, khói bụi nơi công trường hay các nhà máy, khu công nghiệp.
Đóng gói:
- Đóng gói: 1 túi/cái.

- Bạn có thể  MUA NGAY sản phẩm tại đây

#khautrangyte #khautrang #cleancare #hansong #facemask #dustmask

Kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp thành công

Tôi đã mất quá nhiều thời gian với chính doanh nghiệp của mình chỉ để nhận ra 5 điều này và hôm nay tôi muốn chia sẻ nó lại với các chủ doanh nghiệp đang gặp vấn đề về vận hành bộ máy làm việc - 5 quy trình cần có để bạn thực sự là CHỦ của doanh nghiệp bạn tạo nên:

1. Đơn giản hoá

Chia nhỏ những công việc phức tạp để người có trình độ trung bình cũng có thể làm được.
Hãy luôn nhớ kĩ điều đơn giản này: Đơn giản là sức mạnh, hệ thống của bạn càng đơn giản bao nhiêu, thì vận hành càng chơn tru bấy nhiêu. Nếu vận hành mà vẫn chưa được thì bạn tiếp tục chia nhỏ hơn. Và công việc của người này phải phụ thuộc vào người đi trước, đây gọi là CHUỖI GIÁ TRỊ.
Tôi lấy ví dụ:
Trong đội ngũ của tôi: Người làm google riêng, người làm blog riêng, người làm video riêng, người làm biên tập nội dung riêng, người viết kịch bản quảng cáo cho video riêng, người dựng phim riêng, người làm diễn viên riêng.
Khi làm như vậy, xung đột là điều có thể xảy ra và để khắc phục điều này, bạn cần phải có 1 kĩ thuật, tôi gọi đó là : GIAO & NHẬN – Kết quả của người này cần phải giao cho người khác sau khi đã thêm giá trị của mình vào. Đây là một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới

2. Hệ thống hoá
Viết xuống mọi điều bạn làm và làm mọi điều bạn viết.

Tất cả được sắp xếp và mọi người làm theo đúng quy trình đã được viết. Các công việc của mọi người được liên quan chặt chẽ với nhau và hiểu được giá trị mình cần phải thêm vào để đạt được mục đích chung nhất của chiến dịch.

3. Nhân bản hoá
Là đào tạo, kiểm tra check list, socola đồng tiền.

Mọi người được hướng dẫn và đào tạo giống hệt nhau với cùng nội dung đã được viết xuống.

4. Tự động hoá
Mọi người tự động làm việc mà mình cần phải làm: Tự động theo hệ thống mang tinh thần tự giác và kỉ luật theo trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

Tự động hóa máy móc và công nghệ để phục vụ công việc sản xuất để nâng cao hiệu suất kinh doanh và đưa vào thực tiễn mô hình kinh doanh để mọi người tự giác làm việc và phát triển.

5. Tối ưu hoá
Mọi việc tốt rồi đều có thể tốt hơn!

Bạn phải không ngừng nâng cấp hệ thống của mình liên tục về tất cả mọi mặt, tối ưu hóa hơn nữa, ngày mai tốt hơn ngày hôm nay, không ngừng update để hệ thống càng giản đơn hơn, cái gì không ổn mình loại bỏ ra, cái gì đang tốt mình tối ưu hơn nữa.

TỐI ƯU ĐỂ LIÊN TỤC TIẾN LÊN!

PTL

Sunday 9 February 2020

Tại sao bạn nên rời văn phòng đúng giờ ?

Nếu bạn rời khỏi cơ quan đúng giờ để về nhà có nghĩa là bạn biết quản lý thời gian, không lãng phí vào việc lướt mạng, buôn chuyện trong giờ làm.

1. Làm việc quá nhiều không hiệu quả

Một số nghiên cứu cho rằng việc làm thêm giờ không có lợi gì, ngược lại chỉ khiến đời sống tinh thần và sức khoẻ của bạn xấu đi.

Sau một thời điểm nhất định, làm việc nhiều hơn hoặc ít hơn sẽ cùng cho một kết quả, đó là mỗi giờ làm việc tại văn phòng sẽ kém năng suất hơn nhiều trước đó. Đây là lý do tại sao nhiều nơi đo lường năng suất bằng kết quả, thay vì giờ làm và không thực sự quan tâm nếu bạn làm việc ít giờ hơn, miễn hoàn thành công việc của mình.

2. Bạn khoẻ mạnh hơn

Các nghiên cứu từ chuyên gia Marianna Virtanen tại Học viện Sức khoẻ Nghề nghiệp của Phần Lan chỉ ra, làm việc quá sức, rời văn phòng muộn là nguyên nhân gây ra các hội chứng căng thẳng như trầm cảm, thiếu ngủ và lạm dụng rượu bia.

Một nghiên cứu được thực hiện ở 3 châu lục của Đại học College London năm 2015, đã phát hiện ra những người làm trên 55 giờ mỗi tuần có nguy cơ đột quỵ cao hơn 33% so với người làm dưới 40 giờ mỗi tuần. Cũng theo nghiên cứu này những nhân viên làm việc quá sức có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn 13% người bình thường.

3. Bạn làm được nhiều việc hơn trong ngày

Nếu quen với ý nghĩ phải hoàn thành mọi việc lúc 5 giờ chiều, bạn sẽ nhận ra thực sự không có nhiều thời gian để lãng phí. Bạn sẽ không phí thời gian giải quyết những phiền nhiễu, buôn chuyện, lướt mạng... có nghĩa bạn quản lý thời gian tốt hơn. Những người thực hành lịch trình làm việc này chia sẻ, bạn sẽ thực sự rời khỏi văn phòng trong tâm trạng vui vẻ, thấy hôm nay mình đã làm hiệu quả.

4. Bạn biết làm thế nào để bảo vệ ranh giới của mình

Đặt ranh giới cho đồng nghiệp biết rằng bạn đang rời khỏi văn phòng lúc 5h chiều, ngay cả khi họ thích ở lại muộn.

Những người ngại đứng lên trước vì không muốn gây chú ý hoặc sợ bị đánh giá không đủ cống hiến. Điều quan trọng phải hiểu là khi công việc kết thúc thì cuộc sống bắt đầu, trừ khi bạn chẳng quan tâm đến thời gian cho bản thân và gia đình nữa.

5. Bạn có thêm thời gian nghỉ ngơi

Bạn có thể không bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi ở lại văn phòng muộn và thậm chí ở lại vì yêu thích. Nhưng đôi khi cho phép về đúng giờ, bạn sẽ cảm thấy thật tuyệt vời vì có thêm một hai tiếng. Thời gian này ở bên gia đình, bạn bè, chơi thể thao, đưa chú cún đi dạo công viên... Những hoạt động này tái tạo năng lượng, giúp bạn làm việc hiệu quả hơn.



Bảo Nhiên (Theo Brightside)

Tuesday 14 January 2020

Ai đang dối ai ?

1. Việc này dễ, chắc một tí là xong ngay ấy mà. 2. Sáng: Giờ còn sớm, để chiều làm cũng còn khối thời gian. 3. Chiều: Thôi hôm nay mệt rồi, tối về nghỉ ngơi một chút rồi làm. 4. Tối: Ôi giờ muộn buồn ngủ quá, sáng mai dậy sớm làm, tỉnh táo hơn. 5. Thôi chết lỡ rồi, làm đại thôi! Chắc là không sao đâu. 6. Bận thế này làm sao còn thời gian mà tập thể dục, ăn uống điều độ được nữa. 7. Mình làm tốt thế mà chả ai quan tâm, chúng nó bị mù à? 8. Thằng kia có biết gì đâu mà suốt ngày được khen, đúng là thiên vị. 9. Cứ thế này là tốt rồi, khỏi cần thay đổi gì nữa. 10. MÌnh không có GIẬN đâu. Mình đang rất BÌNH TĨNH. Không có CÁU TIẾT gì cả hết! Haha, chuyện bé tí có gì đâu mà BỰC MÌNH!!! 11. Mọi chuyện đều ỔN! Hoàn toàn có thể CỨU VÃN được! Không có gì đáng LO cả!!! 12. Có phải là lỗi của mình đâu... 13. Chỉ tại việc được giao khó quá chứ mình đã cố hết sức rồi... 14. Đồng đội gì mà cù lần, không phải tại bọn nó thì đã thành công... 15. Một phần cũng là do gặp xui nữa... 16. Thôi, lần sau sẽ cố gắng hơn, không để thế này nữa. 17. Việc này cũng dễ, chắc một tí là xong ngay ấy mà. PS: Một sự thực phũ phàng: người bạn nói dối nhiều nhất thường lại là bản thân chính bạn. Nào, hãy thẳng thắn lên!

Monday 13 January 2020

Sự khác nhau giữa người giỏi và bọn dở hơi

1. Người giỏi đề cao sáng tạo. Bọn dở hơi đề cao sự làm lụng. 2. Người giỏi tin vào mình. Bọn dở hơi muốn người khác tôn vinh. 3. Người giỏi nhân hậu trong mọi công việc. Bọn dở hơi tàn nhẫn trong mọi mối quan hệ. 4. Người giỏi trung thực, trung dung, nói ra ý của mình. Bọn dở hơi nịnh nọt, xu thời, nói ý của lãnh đạo, hoặc mượn lãnh đạo để nói ý của mình. 5. Người giỏi nhìn về khó khăn của tương lai và khắc phục nó. Bọn dở hơi nhìn vào thành công quá khứ, và liên tục nhai lại. 6. Người giỏi tĩnh lặng, có vẻ biết rất ít nhưng biết chắc. Bọn dở hơi chạy lăng xăng, cái gì cũng có vẻ biết. 7. Khi cho một tí quyền hành. Người giỏi tìm giải pháp. Bọn dở hơi tìm vây cánh và triệt tiêu sự phát triển. 8. Người giỏi biết tưởng thưởng và lơ đi lỗi lầm người khác. Bọn dở hơi liên tục để ý rình mò và bới móc. 9. Người giỏi đi trễ nhưng sẵn sàng giải quyết và hoàn thành công việc bất kể giờ giấc nào, bất kể giá nào. Bọn dở hơi đi rất đúng giờ nhưng lãng công.

Sunday 12 January 2020

Cách đặt mục tiêu có thể thực hiện được

1. Mơ lớn nhưng bắt đầu bằng bước nhỏ thôi.
2. Lập kế hoạch cho tất cả công việc 3. Chèn vào những khoảng thời gian để nghỉ ngơi hoặc mua món đồ tự thưởng cho bản thân. 4. Làm việc theo các Pomodoro, cứ mỗi 25’ tập trung làm một việc duy nhất đến khi xong thì thôi. Sau đó là 5’ hoàn toàn thư giãn. 5. Luôn tự hỏi mình: Làm thế nào để tốt hơn? Làm cách nào để nhanh hơn? Làm cách nào để thông minh hơn? 6. Rủ một người bạn cùng thực hiện. Với mỗi đầu mục không hoàn thành đúng deadline sẽ có hình thức phạt cụ thể. 7. Tìm kiếm nguồn động lực và niềm vui để thực hiện mục tiêu. Nếu bạn muốn bạn sẽ tìm ra cách, bằng không, bạn sẽ vẽ ra mọi lí do, viện cớ, đổ lỗi. 8. Đặt mục tiêu theo tiêu chí CĐKTT - Cuộc Đời Không Thể Thua: - Cụ thể, rõ ràng - Đo lường được - Khả thi - Thực tế - Có thời gian cụ thể  9. Cái gì làm ngay làm luôn làm nhanh được thì làm xong luôn không để sau, để mai để mãi muôn đời vẫn không làm.

Sunday 5 January 2020

Chiếc hộp Darvas là gì và làm sao để áp dụng trong trading?

Lý thuyết chiếc hộp Darvas là chiến lược mua bán của một trong những nhà đầu tư huyền thoại của phố Wall, Nicholas Darvas, xuất thân là một vũ công bale.
Khởi nguồn của lý thuyết hộp là “giá cổ phiếu thường biến động lên xuống trong một hành lang nhất định giống như vũ công phải đi về góc sân khấu trước để lấy đà nhảy lên cao”.
Điều này đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu tại một khoảng thời điểm nào đó luôn nhảy trong một chiếc hộp. Một khi cổ phiếu có giá vượt trên chiếc hộp đó, có nghĩa là cổ phiếu đó tích tụ một năng lượng đủ mạnh để vượt lên trên mức trung bình của chính nó, như vậy, khả năng tăng giá và hình thành các hộp cao hơn rất cao. 
Bài viết này sẽ đề cập đến cách áp dụng phương pháp trên bằng 3 ý chính dưới đây.
1. Quy trình thực hiện

Trong bước này, cổ phiếu có tiềm năng tăng giá mạnh được định nghĩa như sau:
- Ngành nghề kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng tốt tương ứng với từng thời điểm
- Biến động giá đột biến
- Khối lượng giao dịch đột biến 
2. Nguyên tắc Darvas

Darvas quan niệm rằng “Một cái đồng hồ chết còn đúng 2 lần trong 1 ngày”. Vì thế không có gì là không thể. Những gì bạn tin là chắc chắn xảy ra vẫn có thể không xảy ra. 
Hãy chấp nhận và điều chỉnh hành động theo thực tế thị trường.
3. Phương pháp xác định hộp Darvas
Phương pháp xác định hộp Darvas như sau:
- Khoanh vùng giá mà cổ phiếu di chuyển nhiều trong thời điểm hiện tại trong một chiếc hộp và quan sát.
- Nếu biến động cổ phiếu bật lên chiếc hộp đó, rồi điều chỉnh thì mức giá cao nhất và thấp nhất trong giai đoạn này sẽ tương ứng với nắp hộp và đáy hộp mới.
- Nắp hộp đóng vai trò như đường kháng cự, đáy hộp đóng vai trò như đường hỗ trợ.
- Các hộp to, nhỏ được biến chuyển theo từng góc nhìn, tương ứng với các quan điểm đầu tư ngắn hạn hay dài hạn.
- Độ to, nhỏ của hộp thể hiện biến động của cổ phiếu nhiều hay ít.
Đối với Darvas, ông luôn đặt ta mức stop-loss cho mỗi giao dịch và tuyệt đối tuân thủ. Lượng tiền đầu tư cho một cổ phiếu được nâng lên khi cổ phiếu hình thành một hộp mới cao hơn hộp cũ.