Monday 11 June 2012

Rời bỏ Việt Nam


[VnExpress] - First Solar, một trong những nhà sản xuất mô đun năng lượng mặt trời hàng đầu thế giới, được cấp giấy phép đầu tư lên đến 1 tỉ USD để xây dựng nhà máy tại VN. First Solar đã khởi công nhà máy ở khu công nghiệp Đông Nam (TP.HCM) với số vốn 300 triệu USD giai đoạn I, dự kiến đưa vào hoạt động vào nửa sau năm 2012.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp sản xuất mô đun năng lượng mặt trời trên thế giới rơi vào tình trạng thừa cung thiếu cầu và sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc khiến First Solar tuyên bố tạm dừng khai thác nhà máy ở VN vào tháng 11 năm ngoái. Ngoài nguyên nhân này, thì nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, First Solar rút khỏi VN còn có nguyên nhân từ các chính sách phát triển năng lượng sạch của VN chưa phù hợp khiến nhà đầu tư (NĐT) gặp khó và thị trường năng lượng ở VN vẫn quá độc quyền.
Hồi cuối năm 2011, dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm, liên doanh giữa Công ty CP công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT) với một công ty thành viên Tập đoàn Teco, Đài Loan, tuyên bố chuyển dự án đến Thanh Đảo (Trung Quốc). Dự án được UBND TP.HCM cấp giấy phép vào năm 2008, bao gồm các hạng mục như sản xuất, phát triển kinh doanh và gia công xuất khẩu phần mềm, thiết kế vi mạch, thiết kế chip... Tổng vốn đăng ký 1,2 tỉ USD, trên diện tích gần 16 ha. Theo chủ đầu tư, ở Thanh Đảo họ được ưu đãi giao đất miễn phí, có sẵn cơ sở hạ tầng. Cho tới nay, phần đất mà Teco dự định triển khai ở Thủ Thiêm vẫn còn trống chờ NĐT khác thay thế. Nhưng với tình hình kinh tế thế giới hiện nay, một NĐT đủ tầm thế chỗ cho dự án là điều bất khả thi.
Trước đó, năm 2010, Công ty Ford Motor (Mỹ) quyết định chọn Thái Lan để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô 450 triệu USD mà không phải VN. Có nhiều nguyên nhân khiến hãng ô tô này đến Thái Lan, trong đó có những trở ngại tồn tại nhiều năm qua nhưng không được cải thiện là công nghiệp phụ trợ ở VN kém phát triển, chính sách ưu đãi đầu tư của Thái Lan tốt hơn VN, cơ sở hạ tầng của Thái Lan đảm bảo… Theo kế hoạch, Ford sẽ tiếp tục đầu tư mới 3 nhà máy có tổng vốn hơn 1 tỉ USD ở Thái Lan trong thời gian tới. Tại VN, Ford từng đầu tư một nhà máy quy mô trung bình.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bất kể dự án công nghệ cao nào nếu không triển khai thành công ở VN cũng là “đáng tiếc”, cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư. Nên bằng mọi cách phải giảm thiểu tình trạng NĐT tháo chạy khỏi VN. Trách nhiệm để NĐT rút lui phụ thuộc rất lớn vào cơ quan quản lý, chứ không thể đổ hết lỗi lên NĐT thiếu năng lực.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo, lạm phát tăng giảm thất thường và những chính sách kinh tế thay đổi liên tục đã khiến NĐT nản lòng. Bất kể DN đầu tư vào một nước nào đó cũng tính toán thu hồi vốn nhanh. Nhưng ở VN, thực tế là việc triển khai tiến độ dự án khá chậm do kẹt vấn đề giải phóng mặt bằng, giao đất. Kéo dài thời gian 1 - 2 năm có thể khiến NĐT thay đổi toàn bộ chiến lược kinh doanh ban đầu, vì thị trường liên tục chuyển đổi. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông dường như ngày càng tệ hơn, chất lượng lao động không được cải thiện… Khi những trông đợi vào VN không được đáp ứng, thì chuyện NĐT rút dự án là bình thường. Trong khi đó, có nhiều nước nổi lên với những điểm cạnh tranh hơn VN về giá nhân công rẻ, năng suất lao động cao, nguồn tài nguyên thiên nhiên còn phong phú, giá cả thị trường thấp.
Hiện tượng rút khỏi VN của những dự án công nghệ cao, sản xuất xanh cho thấy, VN chưa thể là nơi lý tưởng để hấp thụ tốt những dự án này. Điều đó có thể khiến các NĐT khác chùn chân. Qua đó cũng phản ánh thực tế đầu tư ở VN khó hơn nhiều những lời kêu gọi trải thảm đỏ trong các chiến dịch thu hút FDI của VN. Trước đây, Total rút khỏi dự án lọc dầu, loay hoay 10 năm sau VN mới có thể tìm được NĐT khác thay thế. Nếu Total làm được dự án lọc dầu thì sẽ kéo theo nhiều những NĐT khác vào VN. Như vậy, VN đã mất đi nhiều chi phí cơ hội cho những dự án rút lui.

Friday 1 June 2012

Đan Mạch dừng 3 dự án ODA tại Việt Nam

[VnExpress] - Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội cho biết quyết định dừng hoạt động 3 trong 4 dự án nghiên cứu sử dụng ODA của nước này tại Việt Nam do có bất thường về tài chính. 
Trong thông cáo báo chí công bố chiều 1/6, Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội cho biết quyết định được đưa ra sau khi có kết quả kiểm toán của hãng PriceWaterhouseCoopers cho thấy vốn viện trợ phát triển chính (ODA) Đan Mạch có thể bị sử dụng sai mục đích ở 3 dự án nói trên.
Từ hai ngày trước, báo chí Đan Mạch đưa tin Bộ trưởng Phát triển nước này, ông Christian Friis Bach tuyên bố dừng 3 dự án ODA liên quan đến nghiên cứu chống biến đổi khí hậu, do Danida, cơ quan viện trợ của Bộ Ngoại giao Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam.
Đại sứ quán cho biết quá trình kiểm tra tài chính tại 3 dự án này đã phát hiện các dấu hiệu bất thường như sử dụng dịch vụ tư vấn để tư lợi, chi vượt mức thực tế các trang thiết bị và thâm hụt quỹ so với số dư sổ sách kế toán. Số tiền sử dụng không hợp lý có thể lên tới 3,3 triệu kroner (tương đương 550.000 USD).
Tuy nhiên, những phát hiện này cần được hai chính phủ và các cơ quan thực thi đánh giá kỹ lưỡng trước khi có kết luận cuối cùng, thông cáo của Đại sứ quán viết.

"Đan Mạch không thể và sẽ không chấp nhận việc ngân sách viện trợ phát triển bị sử dụng sai mục đích. Cách thức giải quyết của chúng tôi đối với tất cả các trường hợp có dấu hiệu tiêu cực là rõ ràng và nhất quán. Đây cũng là quan điểm của chúng tôi đối với bất kỳ nghi vấn tiêu cực nào xảy ra trong các chương trình do Danida tài trợ tại tất cả các quốc gia", Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen phát biểu.

Hiện các cơ quan chức năng Việt Nam chưa phát ngôn chính thức về vụ việc. Tuy nhiên, Đại sứ John Nielsen cho biết đang làm việc với Chính phủ Việt Nam và các cơ quan đối tác để xử lý nghiêm túc vấn đề này.
"Cho đến nay chúng tôi đã nhận được những phản hồi tích cực đầu tiên", ông nói thêm.
Theo thông tin từ tờ The Copehagen Post, bên cạnh Việt Nam, một số dự án khác mà cơ quan viện trợ Danida giám sát tại Ghana, Tanzania cũng bị đưa vào vòng nghi vấn.
Tuyên bố dừng viện trợ được Đan Mạch đưa ra ít ngày trước khi nhóm tư vấn các nhà tài trợ nhóm họp giữa kỳ tại miền Trung Việt Nam (CG giữa kỳ 2012, diễn ra từ 4/6) để đánh giá về hiệu quả tài trợ và đề xuất các giải pháp. Đây cũng là lần thứ hai trong vòng hơn 3 năm qua, một đối tác song phương tuyên bố ngừng ODA cho Việt Nam vì nghi vấn tiêu cực.
Tại cuộc họp CG tháng 12/2008, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam tuyên bố ngừng cấp vốn ưu đãi cho các dự án vay mới sau nghi án Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) hối lộ để tham gia vào dự án Đại lộ Đông Tây (TP HCM). Dự án này có tổng vốn đầu tư ban đầu gần 9.864 tỷ đồng, trong đó có 6.394 tỷ đồng vay ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), số còn lại từ ngân sách thành phố.

Tháng 3/2009, Nhật đã nối lại ODA sau các nỗ lực đàm phán và cam kết của Việt Nam về việc xử lý tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là đưa ra xét xử vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ - người bị cáo buộc tham gia nhận hối lộ của PCI.
Thanh Bình