Tuesday 20 November 2012

Những ngành nhiều tham nhũng nhất


Bốn ngành được cho là tham nhũng phổ biến gồm cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng, theo kết quả khảo sát xã hội học do Thanh tra Chính phủ chủ trì.

Khảo sát được tiến hành tại 10 tỉnh/thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Sơn La, Hải Dương, Đồng Tháp, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ. 
Tổng cộng có 2.601 người dân, 1.058 DN và 1.801 CBCC (trong đó 95% thuộc các cấp chính quyền địa phương, 5% là CBCC của các bộ, ngành) được khảo sát.
Cuộc khảo sát được tiến hành dựa trên các nguyên tắc căn bản gồm:  tập trung vào các đối tượng có nhiều trải nghiệm nhất trong giao dịch với các cơ quan công quyền; tôn trọng tối đa tính ngẫu nhiên trong quá trình chọn mẫu; tất cả các buổi khảo sát đều là phỏng vấn, đối thoại trực tiếp với cá nhân đối tượng trả lời; theo dõi và giám sát chặt chẽ tất cả các bước của quá trình khảo sát để đảm bảo chất lượng.
Những ngành nhiều tham nhũng nhất
Ngành tham nhũng nhất theo quan điểm của CBCC, doanh nghiệp và người dân (tỷ lệ phần trăm số ý kiến chọn là 1 trong 3 ngành tham nhũng nhất) - Nguồn: Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học
Bốn ngành được cho rằng tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng. Bốn ngành, lĩnh vực được cho là ít tham nhũng nhất là bưu điện, báo chí, kho bạc và cảnh sát khu vực.
Đây là những thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo hôm qua (20.11) công bố Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức” do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo (BCĐ) T.Ư về phòng chống tham nhũng và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện.
Ba nhóm đối tượng tham gia cuộc khảo sát gồm người dân đại diện cho các hộ gia đình, doanh nghiệp có đăng ký chính thức và cán bộ công chức (CBCC), bao gồm các cán bộ làm việc trong HĐND các cấp ở địa phương và viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công. Tham gia cuộc khảo sát còn có CBCC của 5 bộ gồm: Giao thông vận tải, Xây dựng, Công thương, Tài chính và Tài nguyên - Môi trường.
Khảo sát được triển khai tại 10 tỉnh/thành phố được lựa chọn là các thành phố lớn và các vùng đô thị nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là nơi được cho là có nguy cơ tham nhũng cao hơn. Mặc dù kết quả khảo sát không đại diện cho tổng thể dân số VN, nhưng cũng có ý nghĩa rất lớn bởi 10 tỉnh/thành trong mẫu chiếm 30% dân số cả nước và đóng góp trên 65% GDP của VN.
Theo nhóm tác giả, khảo sát chú trọng đến tham nhũng mà nhiều doanh nghiệp (DN) và người dân trải nghiệm nhưng không nhất thiết là những dạng tham nhũng nghiêm trọng nhất. Thí dụ thu hồi đất đai, quản lý sai hoặc tham ô tài sản nhà nước có thể rất tai hại kể cả khi ít được nêu bật trong khảo sát. Cũng theo nhóm tác giả, các ngành nêu trên có sự cọ xát nhiều nhất với xã hội, do đó những dạng tham nhũng này sẽ gây sự bất bình lớn trong công chúng nếu không được xử lý thích hợp.
Tham nhũng làm doanh nghiệp yếu đi
Theo khảo sát, 23% số DN cho rằng họ đã gặp phải một trong các dạng yêu cầu từ phía công chức trong vòng 12 tháng qua. Khoảng 5% DN nhận được đề nghị bán tài  sản với giá rẻ hoặc cho cá nhân công chức thuê tài sản, máy móc, thiết bị. Tỷ lệ các DN nhận được đề nghị chi trả cho các khoản phí nghiên cứu, tham quan hoặc chi tiêu cá nhân cũng ở mức tương tự (5,4%). Khoảng 8% số DN nhận được đề nghị tuyển dụng họ hàng hoặc người thân của CBCC. Có tới 15,3% số DN đã trải qua tình huống trong đó CBCC lợi dụng quyền lực, tên tuổi hoặc uy tín đơn vị họ để gợi ý DN trả tiền hoặc tặng quà.
Khi được hỏi về những khó khăn mà các cơ quan nhà nước hay gây ra, có 50% số DN đã khẳng định, nửa còn lại cho biết không gặp khó khăn nào hoặc không nhớ. Trong số các DN trả lời, 63% cho rằng công chức cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc, 58% cho biết công chức không hướng dẫn cụ thể thủ tục nhưng cố tình soi xét, bắt lỗi để từ chối giải quyết và 28% cho rằng công chức bám vào các quy định không chặt chẽ, không rõ ràng để bắt bí DN.
Để xử lý các khó khăn này, 78% DN chọn cách tiếp tục chờ đợi, 86% DN sẽ đưa ra các lý lẽ thuyết phục để cơ quan quản lý giải quyết. Đáng chú ý có khoảng 51% DN nhờ người có ảnh hưởng tác động để giải quyết và 59% DN chọn cách đưa quà hoặc tiền cho cán bộ có thẩm quyền giải quyết. Chỉ có 13% DN tìm đến các cơ quan bảo vệ pháp luật và chưa tới 6% đề nghị cơ quan báo chí can thiệp.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, ít nhất 10% DN đã khẳng định bị gây khó khăn khi sử dụng các dịch vụ công do các cơ quan nhà nước cung cấp. Hải quan, CSGT và cơ quan thuế đều bị ít nhất 30% số DN điểm danh là các cơ quan gây khó khăn. Ba cơ quan hay gây khó khăn nhất được nêu ra gồm có cơ quan thuế (58%),  các cơ quan quản lý chuyên ngành (23%), CSGT (21%) và tài nguyên môi trường (20%).
Không tin vào hiệu quả phát hiện tham nhũngKhông tin vào hiệu quả phát hiện tham nhũng

Các vấn đề bức xúc nhất đối với Việt Nam, theo quan điểm của CBCC, doanh nghiệp và người dân (%)
Một điều lý thú được phát hiện qua khảo sát này đó là các DN đưa hối lộ lại không hề có hoạt động kinh doanh tốt hơn. Tính trung bình các DN có hối lộ trong vòng 12 tháng qua trên thực tế tăng trưởng chậm hơn các DN không làm việc này. Tác động này có rõ nét hơn khi tìm hiểu cách thức DN xử lý các khó khăn. Nhìn chung các DN tăng trưởng nhanh nhất là các DN thường xuyên không phải đối phó với các khó khăn do cơ quan nhà nước đưa ra. Các DN thường xuyên áp dụng chiến thuật hối lộ thì kết quả trung bình không tốt lên mà thậm chí còn tồi đi.
Theo nhóm tác giả, văn hóa tham nhũng trong đó các DN phải thường xuyên sử dụng các khoản chi không chính thức đang cản trợ sự tăng trưởng của cả khu vực DN. Xét kết quả tăng trưởng trung bình của các tỉnh/thành phố, địa phương có nhiều DN đưa hối lộ thì nhìn chung cũng là những địa phương mà DN đánh giá họ tăng trưởng chậm hơn.
Không tin vào hiệu quả phát hiện tham nhũng
Cuộc khảo sát cho thấy hơn 90% người được hỏi tin rằng đối tượng tham nhũng chưa phải chịu những hình phạt đích đáng. 80% đối tượng trả lời trong cả ba nhóm đều cho rằng chưa có chú trọng làm trong sạch đội ngũ cán bộ và 76-82% cho rằng các biện pháp phòng chống tham nhũng còn dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm. 75% CBCC và 85% hai nhóm đối tượng còn lại đồng ý là người có thẩm quyền chưa thực sự quyết tâm. 
80% người dân được hỏi tin rằng có sự tiếp tay giữa công chức và đối tượng tham nhũng, 87% cho rằng một số cấp trên bao che cho cấp dưới có hành vi tham nhũng và  76%  nghĩ  rằng  CBCC  thiếu  năng  lực.  Đối với  mẫu cho CBCC và DN, các con số này đều thấp hơn 75% .
Hầu  hết  CBCC tin tưởng  vào các cơ quan  chức  năng. Mức độ tin tưởng cao nhất  là đối với cơ quan kiểm tra của Đảng, tiếp đến  là  cơ  quan  thông  tấn, báo chí.  Đáng lưu ý là  mức độ không tin tưởng vào hiệu quả phát hiện tham nhũng của bất cứ cơ quan nào cũng đều rất thấp.


Sunday 18 November 2012

Tiền đồng tiếp tục có giá ?

Tổng phương tiện thanh toán đến ngày 20/2/2012 giảm 0,11% so với cuối năm ngoái là thống kê chính thức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tiền đã không được “bơm” ra qua kênh chính thức, nhưng NHNN đã bắt đầu phát hành hàng ngàn tỉ đồng tín phiếu ngân hàng kỳ hạn từ 28-364 ngày để hút bớt nguồn cung dồi dào trong hệ thống.

Vậy tiền đã chảy ra lưu thông qua ngả nào và liệu nó có ảnh hưởng tới sự ổn định giá trị tiền đồng?
Mua ngoại tệ: cung tiền không kỳ hạn
Một tổ chức tài chính trích dẫn nguồn tin từ NHNN cho biết cơ quan quản lý ngành ngân hàng chuẩn bị phát hành khoảng 40.000 tỉ đồng tín phiếu với lãi suất từ 11,5-12,5%/năm cho các kỳ hạn một, ba và sáu tháng. Giá trị phát hành lớn như vậy có thể rải đều ra nhiều tháng, không nhất thiết phải dồn vào một thời điểm nhất định và diễn ra trong thời gian ngắn.
Thông tin về tín phiếu ngân hàng đã ngay lập tức tác động khác nhau đến thị trường trái phiếu xuất phát từ các quan điểm trái ngược về loại hàng hóa mới mẻ này. Gọi là “mới mẻ” vì nó đã vắng bóng trên thị trường gần bốn năm nay kể từ khi NHNN phát hành tín phiếu bắt buộc vào năm 2008. Khi ấy các tổ chức tín dụng mua tín phiếu bắt buộc phải giữ đến ngày đáo hạn với lãi suất bất lợi.
Một số ý kiến cho rằng tín phiếu ngân hàng không thể phổ biến và được ưa chuộng như trái phiếu chính phủ. Nên thay vì mua tín phiếu, một số tổ chức tài chính vẫn hướng đến trái phiếu. Đây có thể là một trong những lý do khiến lãi suất trái phiếu chính phủ các kỳ hạn hai và ba năm tụt xuống dưới 11%/năm trên thị trường thứ cấp tuần trước. Đã có những giao dịch trái phiếu chấp nhận lãi suất 10,85-10,9%/năm.
Tuy nhiên một số ngân hàng lại bày tỏ quan điểm việc thanh khoản đang dư thừa chỉ là tạm thời và khó có thể dự đoán thanh khoản sẽ ra sao trong vòng sáu tháng tới, nên mua tín phiếu ngân hàng kỳ hạn ngắn từ 1-6 tháng không những có lợi về kỳ hạn, mà cả lãi suất. Lãi suất tín phiếu rõ ràng cao hơn lãi suất trái phiếu nếu không nhìn vào kỳ hạn.
Cho dù nhìn từ quan điểm nào, cũng đưa đến kết quả là thanh khoản tiền đồng của hệ thống ngân hàng đang trong những ngày dư dả, có của ăn của để.
Sự dư dả ấy bắt nguồn từ đâu? Từ việc mua vào ngoại tệ của NHNN. Những phỏng đoán dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đã vượt 20 tỉ đô la Mỹ, thậm chí cao hơn là có cơ sở.
Cứ theo công bố của NHNN, dự trữ ngoại hối vào cuối năm ngoái tăng 50% so với đầu năm ngoái và từ đầu năm 2012 đến nay tăng thêm 20%. Dự trữ ngoại hối vào thời điểm thấp nhất của năm ngoái được Quỹ Tiền tệ quốc tế ước 13,5 tỉ đô la Mỹ. Nếu tăng 50% vào cuối năm ngoái, nó đã xấp xỉ 20 tỉ đô la Mỹ và hiện có thể vào khoảng 24 tỉ đô la Mỹ tính theo mức tăng thêm 20% nữa. Đây chắc chắn là con số ấn tượng!
Như vậy, một lượng tiền đồng lớn đã được NHNN tung ra để mua ngoại tệ. Những số liệu công bố của NHNN từ đầu năm đến nay cho thấy thị trường mở liên tục hút ròng tiền về, đều đặn từng tuần. Khoảng một tháng sau Tết, con số hút về đã lên tới 135.000 tỉ đồng. Tất nhiên trong số này, có sự cân bằng lại với lượng tiền đã “bơm” ra trước Tết nhằm đảm bảo việc rút tiền để chi tiêu của doanh nghiệp cũng như dân cư. Nhưng mức hút về lớn đến thế phần khác là để trung hòa lượng tiền bỏ ra mua ngoại tệ vốn không có kỳ hạn. Nói cách khác, tiền đưa ra mua ngoại tệ là tiền không quay về két sắt NHNN cho đến khi ngoại tệ được bán ra trở lại để can thiệp tỷ giá nếu cần thiết.


Tiền đồng lên giá đến đâu?
Việc giữ một mặt bằng lãi suất cao bằng cách áp trần huy động đã hỗ trợ rất mạnh cho tiền đồng trong vòng 12 tháng trở lại đây. Điều này làm cho dòng chảy kiều hối vào Việt Nam rộng mở vì có khả năng một phần kiều hối đã được chuyển qua tiền đồng nhằm tận dụng chênh lệch lãi suất. Với cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và Mỹ có thể giữ mức lãi suất thấp đến năm 2014, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ 11%/năm cho kỳ hạn ba năm, thì chênh lệch lãi suất tiền đồng - ngoại tệ là một cơ hội không thể bỏ qua.
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp đang trở lại. HSBC trong bản báo cáo mới nhất về Việt Nam cho biết từ đầu năm đến nay Nhật Bản đã đầu tư 800 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam. Vốn nước ngoài giải ngân vào chứng khoán cũng lên tới 500 triệu đô la Mỹ (ở đây tính cả việc một số đối tác nước ngoài tham gia vào các thương vụ M&A trong nước).
Quan trọng hơn cả là doanh nghiệp đã không còn găm giữ ngoại tệ và tình trạng bảo toàn tài sản bằng đô la Mỹ của người dân đã dịu đi nhiều sau khi NHNN tuyên bố tỷ giá năm nay nếu có điều chỉnh cũng không quá 2-3%. Tuyên bố này đang tỏ ra hiện thực khi dự trữ ngoại hối cho phép NHNN đủ sức can thiệp vào thị trường bất cứ lúc nào.
Việc giảm lãi suất huy động 1%/năm vừa qua chưa ảnh hưởng nhiều đến chênh lệch lãi suất tiền đồng - đô la Mỹ dù khoảng cách đã thu hẹp ít nhiều. Trong giới tài chính, điểm kỳ vọng cho sự chênh lệch lãi suất tầm 5%/năm là chấp nhận được, nhưng hiện tại chênh lệch lãi suất huy động tiền đồng - ngoại tệ đang ở mức 11%/năm sau khi đã đứng ở 12%/năm suốt nhiều tháng qua. Chênh lệch lãi suất thực tế vẫn đang gấp hơn hai lần kỳ vọng! Và chừng nào tỷ giá niêm yết của ngân hàng cũng như tỷ giá thị trường tự do còn cách xa trần, chừng đó sự lên giá của tiền đồng vẫn chưa thể chấm dứt.
Theo Lưu Hảo (Thời báo kinh tế Sài Gòn Online)



Thursday 8 November 2012

Apple iOS 6.0.1 sửa lỗi iPhone 5

Các lỗi liên quan đến Wi-Fi, mạng dữ liệu cũng như bàn phím ảo trên iPhone 5 được sửa thông qua bản cập nhật dung lượng gần 70 MB vừa được Apple tung ra.





Tuy nhiên bản cập nhật iOS 6.0.1 vẫn chưa sửa được lỗi chụp ảnh ánh tím trên camera iPhone 5.
Sáng nay, các thiết bị dùng iOS 6 nhận được thông báo cập nhật phiên bản iOS 6.0.1 mới cho các thiết bị của mình. Tuy nhiên không có những thay đổi lớn trong lần nâng cấp phần mềm này, thay vào đó, các thiết bị của Apple sẽ được tập trung để sửa những lỗi nhỏ đã gặp phải.

Đáng chú ý nhất là với iPhone 5, model được người dùng phàn nàn nhiều lỗi vặt kể từ khi xuất hiện. Bản cập nhật iOS 6.0.1 được thông báo sẽ sửa hiện tượng nhòe và có sọc ở bàn phím ảo, vấn đề với đèn Flash của camera, kết nối Wi-Fi và dữ liệu mạng. Tuy nhiên, vấn đề lỗi ánh tím trên iPhone 5 vẫn chưa được Apple giải quyết bằng giải pháp phần mềm trên iOS 6.0.1.


Chi tiết các thay đổi trên bản cập nhật iOS 6.0.1:

- Sửa lỗi ngăn cài đặt phần mềm cập nhật qua phương thức không dây.

- Sửa lỗi sọc xuất hiện ở bàn phím ảo (chiều dọc).

- Sửa lỗi Flash camera không tắt đi được trong một số trường hợp.

- Cải thiện khả năng kết nối của iPhone 5 và iPod Touch gen 5 tới mạng Wi-Fi bảo mật WPA2.

- Giải quyết các vấn đề về việc sử dụng mạng dữ liệu trên iPhone 5.

- Hợp nhất nút chuyển về dụng mạng dữ liệu với iTunes Match.

- Sửa lỗi cho phép qua mặt mã Passcode Lock truy cập vào Passbook ở màn hình khóa.

- Sửa vấn đề liên quan tới đặt lịch hẹn ở Exchange.

Bản cập nhật iOS 6.0.1 có thể được cập nhật trực tiếp thông qua giao thức OTA hoặc cập nhật thông qua phần mềm iTunes.
Theo Vnexpress

Monday 5 November 2012

Tạo đĩa cài Windows 7 bằng USB

Tại sao phải cài đặt Windows 7/Vista từ USB?

- Như các bạn đã biết, hiện nay Netbook đã khá phổ biển bởi một số ưu việt như giá thành rẻ, phù hợp với nhu cầu của nhiều người. Không như những phiên bản đầu tiên sử dụng ổ đĩa SSD dung lượng nhỏ, giờ đây nhiều Netbook sử dụng đĩa cứng dung lượng lớn từ 160GB trở lên nên việc cài  Windows7/Vista đã khả thi hơn. 
- Đồng thời do Netbook không trang bị đĩa quang nên việc cài đặt Windows từ đĩa DVD chỉ có thể thực hiện khi có ổ đĩa DVD ngoài mà cái này không phải ai cũng có. Trong khi đó, USB hiện đã quá rẻ và phổ biến nên trong bài này tôi sẽ từng bước hướng dẫn các bạn cách tạo bộ cài Windows 7/Vista lên ổ đĩa USB
- Cho dù bạn có máy tính với ổ đĩa quang, bạn có thể vẫn nên dùng ổ USB để cài  Windows 7 nếu bạn hay cài Windows 7 cho mọi người vì cài Windows 7 từ USB chỉ mất khoảng 15 phút so với gần 1 tiếng khi bạn cài từ DVD.
Để tạo đĩa cài  Windows7/Vista từ USB bạn cần chuẩn bị:
- 1 Đĩa DVD cài đặt Windows 7/Vista
- 1 ổ USB có dung lượng tối thiểu 4GB
- 1 Máy tính có ổ đĩa DVD
- Ghi lại tên nhãn các ổ đĩa trên máy tính của bạn
Trình tự các bược tạo đĩa cài  Windows7/Vista bằng USB:

Bước 1. Cắm ổ USB vào máy tính và sao lưu lại các dữ liệu trên ổ đĩa USB vì quá trình tạo đĩa bạn phải định dạng (format) ổ đĩa và dữ liệu sẽ bị xoá sạch.




Bước 2. Mở cửa sổ lệnh Command bằng 1 trong các cách sau:
- Cách 1: Nhấn Start chọn Run và gõ CMD rồi nhấn Enter
- Cách 2: Nếu bạn không thấy lệnh Run trên Menu Program bạn có thể gõ CMD vào cửa sổ Search sau khi nhấn Start và sau đó nhấn Ctrl+Shift+Enter
- Cách 3: Start menu > All programs > Accessories, nháy chuột phải vào Command Prompt và chọn Run as administrator.


Bước 3. Lần lượt thực hiện các lệnh sau:
- DISKPART và nhấn ENTER. 
- Tiếp theo, Bạn cần xác định ổ đĩa USB để định dạng và tạo đĩa khởi động Windows7/ Vista. Để xác định ổ đĩa USB bạn dùng lệnh:
LIST DISK
- Ví dụ, ổ USB sử dụng để tạo đĩa Windows7 là DISK 1 với dung lượng 3852MB
Bước 4. Định dạng và tạo đĩa khởi động Windows 7:
- Lần lượt gõ các lệnh dưới đây vào cửa sổ Command và nhấn ENTER (từng dòng lệnh)
SELECT DISK 1 
CLEAN
CREATE PARTITION PRIMARY
SELECT PARTITION 1
ACTIVE
FORMAT FS=NTFS
(Vui lòng đợi trong vài phút để chương trình định dạng ổ đĩa)
ASSIGN
(Sau lệnh Assign, Windows sẽ gán cho ổ USB thành 1 đĩa, ví dụ ở đây là ổ M)
EXIT

- Lưu ý: Các bạn đừng vội đóng cửa sổ này, chúng ta sẽ cần dùng ở bước 6 để chuyển các tập tin khởi động. Tạm thời thả nó xuống thanh công cụ (Minimize) nếu bạn thấy vướng màn hình.
Bước 5. Cho đĩa DVD Windows 7 vào ổ đĩa quang để tiến hành nạp tập tin khởi động và file cài lên đĩa USB.
- Trên máy tôi dùng để tạo đĩa, ổ H là ổ DVD có chứa đĩa cài  Windows7 RTM; ổ M là ổ USB dùng để tạo đĩa cài Windows7. Các bạn cần thay các ký tự này cho phù hợp với nhãn ổ đang sử dụng trên máy tính của mình. 
- Để biết chính xác nhãn ổ đĩa, bạn có thể chạy Explore để kiểm tra.

Bước 6. Nạp mã khởi động (Boot Code) Windows7/Vista trên ổ USB
- Chọn cửa sổ command đã cho nhỏ (Minimize) ở bước 4 và mở to lên màn hình (maximize)
- Gõ các lệnh sau:
H: CD BOOT và nhấn ENTER với H là nhãn ổ đĩa quang có chứa DVD Windows 7.
CD BOOT và nhấn ENTER
BOOTSECT.EXE /NT60 M: 
- Tạo Boot Manager cho đĩa USB với M là ổ đĩa USB dùng để tạo đĩa cài  Windows 7
- Lưu ý: Bạn cần xác định đúng nhãn ổ đĩa quang DVD và ổ USB để gõ lệnh cho đúng.
Bước 7. Sao chép toàn bộ các tập tin trên DVD Windows 7/Vista vào USB. 
Để chắc chắn tất cả các file đều được chọn, bạn nhấp chuột vào ổ DVD trong Explore, sau đó nhấn Ctrl+A để chọn tất cả các tập tin, nhấn Ctrl+C để copy, tiếp đến chọn ổ USB và nhấn Ctrl+V để sao chép các tập tin vào ổ USB.
Chúc mừng bạn, ban đã tạo xong đĩa USB có thể khởi động và cài đặt Windows7/Vista. Để sử dụng được đĩa USB khởi động và cài đặt Windows bạn cần thiết lập thông số trong BIOS để máy tính khởi động từ USB. Vui lòng tham khảo sách hướng dẫn đi kèm máy tính của bạn để biết cách thiết lập.
Cách tạo ổ đĩa USB cài Windows tôi trình bày ở trên đã được thử nghiệm nhiều lần và 100% thành công.