Đây là một số kinh nghiệm trong việc nâng cấp ổ cứng laptop, thay thế ổ cứng truyền thống (HDD) bằng ổ thể rắn (SSD) với chi phí khoảng 2,5 triệu đồng.
Không chỉ cải thiện đáng kể hiệu năng tổng thể, SSD còn giúp laptop đáng tin cậy hơn do có khả năng chống sốc tốt hơn, thích hợp với người dùng thường xuyên di chuyển.
Khái niệm cơ bản SSD
Ổ cứng thể rắn (solid state drive hay SSD) có nhiều ưu thế hơn so với ổ cứng truyền thống (hard disk drive – HDD), giúp cải thiện đáng kể hiệu suất hệ thống do có ưu thế vượt trội về tốc độ truy xuất (đọc/ghi) dữ liệu, độ trễ thấp, khả năng chống sốc tốt hơn, êm và mát hơn khi hoạt động vì không có bộ phận chuyển động. Dữ liệu của bạn, do đó, sẽ an toàn hơn rất nhiều khi máy tính bị rơi hay va đập. Dù vậy, trở ngại lớn nhất của SSD hiện nay vẫn là tỷ lệ giá/dung lượng vẫn còn cao so với HDD. Bên cạnh đó, việc sử dụng bộ nhớ flash NAND để lưu trữ dữ liệu nên dung lượng SSD có phần khiêm tốn hơn so với HDD truyền thống.
SSD có hiệu năng cao và còn giúp laptop đáng tin cậy hơn do có khả năng chống sốc tốt hơn HDD.
Về công nghệ chip nhớ thì SSD chia làm 2 loại là sử dụng flash NAND SLC (single level cell) chứa 1 bit dữ liệu trên mỗi ô nhớ (cell) và flash NAND MLC (multi level cell) chứa 2 hoặc nhiều bit hơn trên mỗi cell. So với SLC thì MLC có độ bền thấp, tốc độ truy xuất chậm hơn, thường được sử dụng trong SSD dòng phổ thông, giá rẻ trong khi flash NAND SLC có độ bền cao hơn, tốc độ truy xuất nhanh hơn, sử dụng trong SSD cao cấp.
Ngoài kích cỡ 2,5” dạng ổ cứng, một số nhà sản xuất (NSX) cũng đưa ra dòng SSD dùng giao tiếp PCI Express (PCIe SSD) và SSD dùng giao tiếp DIMM (SSD DIMM) với dung lượng có thể đạt mức 1 – 2 TB (terabyte). Tuy nhiên, bài viết chỉ đề cập đến dòng SSD dạng ổ cứng 2,5” khi nâng cấp.
Chọn SSD phù hợp
Chuẩn giao tiếp và kích thước ổ cứng là 2 yếu tố cần quan tâm khi nâng cấp. SSD hiện nay sử dụng giao tiếp SATA-2, tốc độ (lý thuyết) có thể đạt 3Gb/giây và SATA-3 (tốc độ 6Gb/giây). Nếu máy tính sử dụng giao tiếp cũ IDE hoặc SATA, bạn không nên nâng cấp SSD vì hiệu suất hệ thống cải thiện không đáng kể.
Kế tiếp, bạn cần chọn kích thước ổ đĩa phù hợp. Hầu hết laptop (máy tính xách tay) trang bị ổ cứng loại 2,5″ trong khi với desktop (máy tính để bàn) thường dùng ổ cứng loại 3,5”. Để gắn SSD kích thước nhỏ hơn vào khoang 3,5” của desktop, bạn phải sử dụng phụ kiện chuyển đổi (2,5″ to 3,5″ SSD/SATA convert) dạng khay hoặc hộp thường đi kèm thùng máy, SSD hoặc mua bổ sung.
Khác với USB, chuẩn SATA vẫn giữ dùng chung cổng giao tiếp giữa SATA 1, SATA 2 và SATA 3.
Kiểm tra tính tương thích
Laptop đời cũ, nhất là một số mẫu Macbook và Macbook Pro thường không dễ nâng cấp SDD. Dù Apple đã sử dụng SSD trong các dòng sản phẩm của mình từ khá lâu nhưng chỉ có những model Macbook Pro mới nhất hiện nay mới có khả năng tận dụng công nghệ TRIM nhằm duy trì hiệu năng SDD theo thời gian sử dụng.
Cũng cần lưu ý các phiên bản HĐH có hỗ trợ TRIM là Windows 7, Windows 2008 R2, Mac OS X Snow Leopard (10.6.6), Lion (10.7), các phiên bản OpenSolaris phát hành sau tháng 6.2010, FreeBSD 8.2. Nếu sử dụng Windows XP thì đây là thời điểm thích hợp để nâng cấp lên Windows 7 nhằm tối ưu hiệu suất SSD.
Bạn cũng cần kiểm tra và nâng cấp BIOS trong trường hợp cần thiết để hệ thống nhận dạng và hỗ trợ SSD tốt hơn. Lưu ý, là BIOS của một số laptop đời cũ có thể không tương thích tốt với SSD. Sử dụng công cụ tìm kiếm như Bing hoặc Google từ khóa “model máy tính của bạn” và “SSD” để tìm hiểu những thông tin liên quan; nhất là những trục trặc có thể xảy ra trong quá trình nâng cấp SSD.
No comments:
Post a Comment